Chiếc lá nhân tạo được thử nghiệm trên sông Cam, miền Đông nước Anh
Với việc chế tạo thành công khí đốt tổng hợp theo phương pháp mới này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển một loại nhiên liệu lỏng bền vững và thân thiện với môi trường. Theo các nhà khoa học, chiếc lá nhân tạo bắt chước quang hợp, phản ứng hóa học giúp cây chuyển ánh sáng mặt trời, CO2 và nước thành năng lượng. Trong môi trường nước, một chất hấp thụ ánh sáng sử dụng chất xúc tác để tạo ra O2, trong khi chất còn lại thực hiện phản ứng hóa học làm giảm CO2 và nước thành CO (carbon monoxide) và hydro, tạo ra khí đốt tổng hợp.
Chiếc lá nhân tạo này có thể hoạt động tốt cả trong những ngày trời nhiều mây và không có ánh nắng, giúp người dùng sử dụng sản phẩm này vào bất cứ thời gian nào và tại bất kỳ đâu trên thế giới.
Giáo sư Erwin Reisner của Đại học Cambridge và nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là lần đầu tiên nhiên liệu sạch được tạo ra trên mặt nước. Nếu được mở rộng quy mô, lá cây nhân tạo có thể được sử dụng trên các tuyến đường thủy bị ô nhiễm, trong các cảng hoặc thậm chí trên biển, có thể giúp giảm sự phụ thuộc của ngành vận tải biển toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch”.