Đồng Nai sẽ thay mới 500 xe buýt sử dụng khí thiên nhiên CNG

Thứ năm, 29/10/2015 14:46 GMT+7

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 tuyến xe buýt, trong có có 5 tuyến trợ giá, 20 tuyến không trợ giá. Tổng chiều dài các tuyến là hơn 1.339km; tổng số xe buýt đăng ký hoạt động là 442 xe với số chỗ ngồi trên 21.000 chỗ.

 
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai họp bàn phương án triển khai dự án thay mới xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)


Ngày 20/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có cuộc làm việc với các sở, ngành và Công ty vận tải Sonadezi về Dự án đầu tư xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 tuyến xe buýt, trong có có 5 tuyến trợ giá, 20 tuyến không trợ giá. Tổng chiều dài các tuyến là hơn 1.339km; tổng số xe buýt đăng ký hoạt động là 442 xe với số chỗ ngồi trên 21.000 chỗ.

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.300 xe khách tham gia đưa rước trên 65.500 công nhân làm việc tại 30 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Con số này chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đưa rước của lực lượng công nhân ở Đồng Nai. Các phương tiện xe buýt, xe đưa rước công nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng nhiên liệu dầu diesel.

Theo quy hoạch của tỉnh Đồng Nai, đến năm 2020 trên địa bàn sẽ 36 tuyến xe buýt nội tỉnh, 13 tuyến lân cận, tổng chiều dài trên 1.700km; số lượng phương tiện 716 xe.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, việc quy hoạch mạng lưới hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường là chủ trương nhất quán của tỉnh. Do đó, Dự án chuyển đổi 500 xe buýt sử dụng dầu diesel sang xe buýt sử dụng khí thiên nhiên CNG cũng là xu thế phát triển chung không những của Đồng Nai mà của cả nước và các nước trên thế giới.

Theo tính toán của đơn vị chủ đầu tư, nếu sử dụng 500 xe buýt CNG thay cho xe buýt sử dụng dầu diesel trên 5 tuyến cố định và các tuyến đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà Công ty Sonadezi đang đảm nhận thì mỗi năm, lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường giảm trên 227 tấn.

Ngoài ra, nếu sử dụng khí CNG, trung bình mỗi năm 1 xe buýt sử dụng nguồn nhiên liệu này có thể tiết kiệm được 14 triệu đồng so với sử dụng nhiên liệu diesel. Nếu tính chung cho toàn mạng lưới khi sử dụng khí CNG, mỗi năm có thể tiết kiệm được gần 8 tỷ đồng tiền nhiên liệu.

Ông Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, cho rằng việc sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu khí CNG nhằm giảm khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có biện pháp chế tài, chưa đề ra chính sách xử lý hay thu phí để xử lý khí thải do phương tiện giao thông phát thải. Do đó, chưa thể nói hiệu quả kinh tế mà việc sử dụng phương tiện vận tải dùng khí CNG mang lại cho doanh nghiệp đầu tư trong việc giảm lượng khí thải. Nhưng, dự án này có ý nghĩ tích cực về mặt xã hội đó là nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng việc đầu tư hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí CNG có nhiều ưu điểm về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Vì vậy, chủ trương đầu tư hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG trong tương lai là chủ trương đúng đắn, cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty vận tải Sonadezi phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương (hai địa phương đang thực hiện Dự án thay mới xe buýt sử dụng khí CNG) để thống nhất các phương án đầu tư đồng thời thống nhất đưa ra các kiến nghị về chính sách đối với Chính phủ về thực hiện thí điểm sử dụng xe buýt dùng nhiên liệu khí CNG.

Dự án thay mới xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel bằng xe buýt sử dụng khí CNG do Công ty Vận tải Sonadezi làm chủ đầu tư.

Dự án sẽ đầu tư, thay mới hơn 500 xe buýt dùng khí CNG với kinh phí trên 640 tỷ đồng. Ngoài ra, trên nhiều tuyến xe buýt sẽ được xây dựng các trạm nhiên liệu khí CNG.

Theo đánh giá, nếu dự án trên triển khai thực hiện, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều chuyển biến, thu hút người dân sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, nhằm từng bước cắt giảm lượng phương tiện cá nhân vốn đang quá tải đối với hệ thống đường sá như hiện nay.

Hiện nay, Tập đoàn dầu khí Gazprom-Liên bang Nga cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy khí hóa lỏng tại khu vực phía Nam. Đồng Nai là một trong 8 địa phương mà Gazprom đang nhắm tới để xây dựng hệ thống trạm nhiên liệu khí hóa lỏng nhằm cung ứng cho các phương tiện giao thông và dùng trong sản xuất công nghiệp./.

Nguồn: Vietnamplus.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)