Xe đạp điện, xe máy điện sạch hay ô nhiễm?

Thứ hai, 23/11/2015 14:49 GMT+7

Chỉ 10-20% xe đạp điện, xe máy điện được bày bán trên thị trường có hóa đơn hợp pháp (số còn lại là nhập lậu và quay vòng hóa đơn) là con số thống kê của cơ quan chức năng không khỏi khiến nhiều người giật mình. Cũng chỉ có 10% các loại phương tiện trên (hiện đang lưu thông trên đường phố) là có đăng kiểm tạo cho người ta cảm giác không an toàn ngay cả trong các thông số kỹ thuật thuần túy của một phương tiện giao thông, chứ chưa nói đến mức độ ô nhiễm hay gây tác hại cho môi trường.

Số lượng xe đạp điện đang tăng chóng mặt.

Thực tế cho thấy, số lượng phương tiện này đang tăng chóng mặt. Thống kê chưa đầy đủ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ ngày 1/1/2014 đến nay, số lượng xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu (chính thức) trên cả nước là trên 5.000 chiếc, trong khi đó số lượng sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới hơn 47.000 chiếc.

Điều nguy hiểm là những con số trên chỉ thể hiện được bề nổi của tảng băng, con số thực xe đạp điện, xe máy điện lắp ráp chui (nhập lậu, hóa đơn quay vòng...) là cực lớn so với số lượng cơ quan chức năng nắm được. 

Hiện chỉ có khoảng 10% số xe đạp điện, xe máy điện đang lưu thông trên đường là qua đăng kiểm. Đáng nói, đến nay ngay cả các ngành chức năng vẫn chưa có căn cứ để phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện. Do vậy, người dân chỉ có thể phân biệt nôm na xe đạp điện có pê-đan (bàn đạp), còn xe máy điện thì không có. Theo quy định, vận tốc xe đạp điện không được quá 25km/h vì hệ thống phanh không đảm bảo, song thực tế hiện nay, xe đạp điện vẫn chạy với tốc độ lên tới 40km/h, thậm chí hơn, gây nguy hiểm cho chính chủ sử dụng và các phương tiện giao thông khác lưu thông trên đường.

 Và cũng theo quy định, xe máy điện được xếp vào xe cơ giới đường bộ, phải đăng ký BKS để cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát. Song, do việc chưa phân biệt rõ xe đạp điện, xe máy điện nên cũng không có chế tài đối với những người đi xe máy điện không đăng ký BKS. 

Sự “bùng nổ” xe đạp điện, xe máy điện ở Việt Nam trong thời gian qua có một phần nguyên nhân nhiều người lầm tưởng loại phương tiện giao thông này là “sạch”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, việc sử dụng ồ ạt loại phương tiện giao thông này đang chứa đựng những nguy cơ về môi trường không thể tính trước.

Tuy xe đạp điện, xe máy điện không có khí thải trực tiếp ra môi trường như xe máy, ôtô... sử dụng động cơ xăng, động cơ đi-ê-zen..., nhưng nguy hiểm và đáng lo ngại là xe đạp điện, xe máy điện sử dụng nhiều ắc quy chì. Mỗi xe đạp điện, xe máy điện đều phải gắn các bình ắc quy. Trong khi đó mỗi bình ắc quy cao nhất chỉ có tuổi thọ 2 năm (nếu đạt chuẩn), còn có nhiều loại ắc quy khác chỉ có tuổi thọ 3 tháng là phải thay ắc quy mới. Như vậy, với việc có hàng vạn chiếc xe đạp điện, xe máy điện thì hàng năm có khoảng sẽ có khoảng vài vạn ắc quy chì phế liệu thải ra môi trường.

Ai cũng biết, phế thải ắc quy nguy hại cho môi trường như thế nào. Việc thu gom và xử lý phế liệu này phải do các doanh nghiệp có đủ giấy phép hành nghề thực hiện. Tuy nhiên, hiện nhiều làng nghề ở Việt Nam vẫn thực hiện tái chế ắc quy với công nghệ lạc hậu, nên môi trường bị ô nhiễm nặng. 

Người xưa có câu “trong họa có phúc, trong phúc có họa”. Gắn câu này vào với việc bùng nổ xe đạp điện, xe máy điện có vẻ không hợp lắm. Song, cũng có hàm ý rằng, đừng tưởng các loại phương tiện giao thông này không thải ra khí thải độc hại khi lưu thông đã là phương tiện “sạch”. Điều đó nghĩa là loại phương tiện này chỉ “sạch” khi lưu thông vì không góp phần làm trái đất nóng lên, song để có điện giúp nó hoạt động một cách “sạch sẽ” thì cũng nó cũng có tác động xấu đến môi trường. Vì thế, theo giới chuyên gia môi trường, đã đến lúc phải tính đến việc xử lý chất thải nguy hại do loại xe này gây ra. Nếu không, hậu họa tiềm ẩn sẽ là khôn lường.

Nguồn: daidoanket.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)