Đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải năm 2022

Thứ sáu, 06/01/2023 14:39 GMT+7

Chiều 5/1, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành đường sắt Việt Nam. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay, năm 2022, ngành Đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải.

Đường sắt đã có lãi từ kinh doanh vận tải

Cụ thể, doanh thu của Tổng công ty đạt hơn 7.718 tỷ đồng, bằng 113,8% so cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so năm 2021, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 130,5 tỷ đồng.

Năm 2022, hoạt động của ngành đường sắt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đặc biệt trong quý I/2022. Tính chung cả năm, hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đã phục hồi nhưng sản lượng vẫn chưa đạt như mức của năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ; luân chuyển đạt 4.624,2 triệu tấn.Km, bằng 109,8% cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống nhất chạy tuyến Bắc-Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2021).

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành đường sắt vượt kế hoạch đề ra, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng thực hiện tốt, giải ngân 100% vốn được Bộ Giao thông vận tải giao.

Năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng đề nghị ngành đường sắt cần phấn đấu vượt kế hoạch chạy tàu của năm 2022 với biểu đồ tối ưu hơn và bảo đảm an toàn. Cùng với đó, cải thiện tình hình tài chính, không chỉ phấn đấu giảm lỗ mà hướng đến hết lỗ và có lãi. Đối với tái cơ cấu, cần xác định đây là việc làm thường xuyên, nhưng không nên quá nặng về hình thức, tách ra nhập vào các đơn vị mà quan trọng là giải pháp hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cũng nhấn mạnh, ngành Đường sắt cần xác định 3 trụ cột, trước hết là kết cấu hạ tầng gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng. Trụ cột thứ 2 là vận tải, sản phẩm cuối cùng của đường sắt là cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá, muốn vậy phải cải thiện chất lượng dịch vụ, tàu đi, đến đúng giờ, an toàn, tạo thuận tiện cho người dân khi mua vé, lên tàu.

Trụ cột thứ 3 là mảng cơ khí, bên cạnh nội địa hoá cần nâng cao chất lượng, mở rộng khách hàng. Ngành đường sắt có bộ máy, tổ chức, cơ sở vật chất nhưng chưa năng động mới chỉ tập trung vào sản xuất đầu máy, toa xe phục vụ ngành và các đơn vị vận tải. Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm đến phát triển đường sắt, ngoài gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kịp thời ban hành biểu đồ chạy tàu khách Thống nhất hè 2022, điều chỉnh chạy tàu khách, tàu hàng trên các tuyến đường sắt phía bắc sông Hồng, xây dựng hành trình và tổ chức chạy thêm nhiều đôi tàu để đáp ứng nhu cầu của hành khách tăng cao trong dịp nghỉ hè, nghỉ lễ.

Các đơn vị vận tải đường sắt chủ động triển khai phương án bán vé tàu Tết Nguyên đán 2023. Vé tàu Tết Nguyên đán hiện còn khoảng 40 nghìn vé. Giai đoạn trước Tết, chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội còn khoảng 8.000 chỗ; giai đoạn sau Tết, chiều từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 32 nghìn chỗ.

Các đơn vị vận tải đường sắt đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực phục vụ hành khách đi tàu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Hệ số sử dụng chỗ của tàu khách dịp hè đạt mức cao hơn các năm trước (kể cả năm chưa có dịch) nhờ tổ chức chạy tàu hợp lý, khoa học, đáp ứng nhu cầu của các tuyến ngắn, các điểm đến có khu du lịch; luồng khách nước ngoài cũng dần phục hồi.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)