Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng GTVT nắm chắc vấn đề, có giải pháp

Thứ năm, 08/06/2023 14:31 GMT+7

Đây là nội dung trong bài phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư đối với lĩnh vực giao thông vận tải của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng kết thúc phần chất vấn tại Quốc hội, sáng nay (8/6).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT đã có 112 đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi và 17 đại biểu tranh luận.

Còn 76 đại biểu đăng kí chất vấn và 2 đại biểu đăng kí tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng để  Bộ GTVT trả lời bằng văn bản theo quy định.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, rất thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, rất tích cực tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm.

“Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đã trả lời đầy đủ, nhận diện đúng các tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ và ngành Giao thông vận tải”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Qua báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, Bộ GTVT đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ Bộ GTVT đã hoàn thành 5/5 quy hoạch ngành quốc gia; tích cực triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia;


Quang cảnh phiên họp sáng nay, 8/6/2023

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt khá so với mặt bằng chung của cả nước. Đã đưa vào khai thác, sử dụng 566 km đường cao tốc phía đông giai đoạn 1 (2016 – 2020), đang tích cực triển khai và chuẩn bị khởi công các dự án mới.

Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Tai nạn giao thông hằng năm tiếp tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, thủ đô Hà Nội và TP.HCM từng bước được kiềm chế.

Thực hiện đồng bộ giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngành Giao thông vận tải vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vướng mắc, khó khăn.

Việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia còn chưa đạt yêu cầu; các hình thức PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn  hạn chế...

Còn thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt; chất lượng dịch vụ vận tải, logistics còn chưa đáp ứng yêu cầu; còn để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phạm vi rộng, thời gian dài trong hoạt động đăng kiểm chưa được chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời; việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau cấp phép còn nhiều bất cập...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính.

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt.

Thứ ba, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ theo phân công của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Thứ tư, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực do Bộ GTVT tải phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công do Bộ GTVT phụ trách.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời rà soát, hoàn thiện về nội dung, phương pháp đào tạo, các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn sáng nay, 8/6

Trình lại phương án xử lý 8 dự án BOT

Trước đó, trong khoảng một giờ tiếp tục phiên chất vấn, tranh luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã giải đáp nhiều câu hỏi về mọi lĩnh vực Bộ GTVT vận tải quản lý.

Tranh luận về việc xử lý các dự án BOT, đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh) đề nghị Bộ trưởng GTVT nói rõ thời gian, phương án cụ thể đối với một số dự án BOT để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ GTVT cũng rất trăn trở về vướng mắc tại các dự án BOT. Bộ đã tổng kết đánh giá và thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ tháo gỡ triệt để rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư BOT, từ thể chế, chính sách đến các vấn đề cụ thể.

"Phải tạo lòng tin cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp BOT tự tin đầu tư nguồn lực vào giao thông", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, không chỉ với 8 dự án BOT đang gặp khó khăn mà toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc, gồm cả dự án ở Trung ương và địa phương để có bức tranh toàn cảnh, từ đó đề ra giải pháp.

Sau khi tổng hợp ý kiến địa phương và nhận diện các vấn đề, Bộ sẽ trình lại phương án xử lý với 8 dự án BOT trước đây đến cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thí điểm cát biển xây dựng đường có nhiều tín hiệu khả quan

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) phản ánh tình trạng tăng công suất khai thác tại các mỏ cát khi triển khai dự án có thể gây sụt lún, ảnh hưởng đến môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm rõ các giải pháp xử lý.

Bộ trưởng cho biết, theo tính toán, để triển khai dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18 triệu khối cát, thời gian triển khai dự án 3 năm. Theo quy hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 130 triệu khối cát tập trung 3 tỉnh lớn là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Tổng 8 dự án giao thông trên địa bàn cần tối thiểu 50 triệu khối cát, như vậy vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho việc thi công dự án.

Riêng đối với dự án Cần Thơ - Cà Mau, vừa qua trên cơ sở Bộ GTVT và Bộ TN&MT làm việc trực tiếp với 3 tỉnh, Thủ tướng đã giao cho các địa phương cung cấp vật liệu cho dự án, trong đó, An Giang, Đồng Tháp cung cấp 7 triệu khối, Vĩnh Long cung cấp 5 triệu khối.

Việc này được các tỉnh rất ủng hộ, hiện đang làm quy trình thủ tục để cấp phép vật liệu cho tuyến đường này.

Về ý kiến có nên làm cầu cạn tại các khu vực này hay không, Bộ trưởng cho biết, theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành, khi làm cầu cạn sẽ khiến chi phí tăng gấp 3-3,1 lần. Chưa kể, vẫn phải thực hiện đường gom trong khi nguồn lực có hạn.

Bộ trưởng cho biết Bộ GTVT sẽ nghiên cứu thận trọng, nếu có thể, Bộ GTVT sẽ trình để thí điểm trong lần sau. Bởi nếu giờ dừng lại để chờ thí điểm cầu cạn thì nhân dân sẽ lại phải chờ và không biết khi nào mới hoàn thành được.

Về nghiên cứu cát biển, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ rất quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt và thống nhất giao việc này cho Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu. Hiện nay việc thí điểm đã triển khai các bước theo đúng quy chuẩn.

“Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hoá phù hợp với môi trường, về vấn đề chịu tải vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm”, Bộ trưởng thông tin.

Còn chung cư cao tầng mọc lên trong vùng lõi thì còn ùn tắc

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) về giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, Bộ trưởng cho biết, vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM có nhiều nguyên nhân và đây là việc chắc chắn phải giải quyết trong lâu dài, không thể một sớm một chiều.

Để khắc phục, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn.

Ngoài ra, trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị cần chú trọng đến đất giao thông. Dù Hà Nội và TP.HCM đã rất cố gắng nhưng hiện nay mới chỉ dành được khoảng 8-9% trong khi nhu cầu cần từ 16-26%, đặc biệt giao thông tĩnh dành để xây dựng bãi đỗ xe rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, cần phải phát triển phương tiện công cộng, đây là vấn đề cấp thiết. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với TP. HCM để phát triển giao thông công cộng, trong đó, đường sắt đô thị cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh.

Kết luận 49 của Bộ Chính trị nêu về chiến lược phát triển đường sắt cũng đã tiếp tục chỉ đạo vấn đề này.

“Vừa qua đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tôi rất bất ngờ trước kết quả đạt được sau 19 tháng vận hành. Mỗi ngày có 31-32 nghìn người đi và 80% người đi mua vé tháng. Lần đầu tiên công ty vận hành đã báo lãi gần 100 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói và cho biết: Sắp tới TP.HCM cũng đưa vào khánh thành 1 tuyến, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án tuyến đường sắt đô thị. Đây là một giải pháp quan trọng để hạn chế phương tiện cá nhân.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần quan tâm đến vận tải hành khách bằng xe buýt. Song song với đó, tổ chức sắp xếp để mở rộng không gian của 2 thành phố, vành đai 3, vành đai 4 triển khai quyết liệt để có các tuyến tránh giảm áp lực cho các tuyến đường nội thành.

Giảm chuyến bay giờ vàng, giảm ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Về tần suất hạ cánh tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất như đại biểu đề cập trong phần tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, những thông tin đại biểu đưa ra rất chính xác. Năm 2019 nhiều đường băng bị xuống cấp trong đó có đường băng ở Tân Sơn Nhất, việc nâng cấp cần đảm bảo mục tiêu cất, hạ cánh an toàn.

“Khi cảng hàng không Tân Sơn Nhất khai thác với tần suất 44-46 chuyến đã khiến nhà ga của cảng không và đường kết nối từ trong nhà ga ra ngoài không đáp ứng được. Để khắc phục, Cục Hàng không đã phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- ACV để điều chỉnh giảm một số chuyến bay ra khỏi giờ vàng và đến nay, việc ùn tắc đã được giải quyết. “Khi hoàn thành nhà ga T3 chắc chắn sẽ đẩy tần suất chuyến bay lên”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm vì thiếu vốn đối ứng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022, Bộ trưởng cho biết, dự án này bị chậm trễ do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc VN - VEC khó khăn về nguồn vốn đối ứng, dẫn đến các nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được, không gia hạn được.


Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Để tháo gỡ cho dự án, vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; VEC cũng đã trình cấp thẩm quyền tháo gỡ vấn đề tài chính, đến nay các vướng mắc đã được giải quyết.

Cụ thể nguồn vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng đã được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC.

Như vậy, khó khăn về nguồn vốn đã được tháo gỡ, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công xây dựng. Theo kế hoạch, các đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý I, II/2025 và việc hoàn thành toàn tuyến dự kiến chậm nhất quý III/2025. Hiện nay VEC đang chuẩn bị quy trình thủ tục để tiếp tục triển khai thực hiện.

Chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình với công an và địa phương để xử lý vi phạm

Về giải pháp phòng ngừa tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, dẫn đến nguy cơ mất ATGT mà đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tập trung tăng cường sử dụng công nghệ thông tin thông qua phần mềm giám sát hành trình, camera để quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải.

Hiện nay, tất cả các xe kinh doanh vận tải đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Việc này cho phép theo dõi chặt chẽ vị trí của phương tiện, từ đó nắm được hành trình xe có đi đúng tuyến hay không, có dừng đỗ dọc đường hay không… Đối với các xe container còn yêu cầu lắp camera giám sát để quản lý thời gian làm việc của lái xe.

“Dữ liệu này hiện đã được chia sẻ với các Sở GTVT, ngành Công an. Nếu giám sát chặt chẽ hoàn toàn có thể quản lý dữ liệu của từng xe, có chế tài xử lý đối với phương tiện, lái xe vi phạm”, Bộ trưởng cho biết.

Thanh tra, kiểm tra đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe mà đại biểu Tráng A Dương nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công.

Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng.

Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề.

Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe.

Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở GTVT khắc phục triệt để vấn đề này.

Tỉnh muốn kêu gọi đầu tư tư nhân nâng cấp sân bay Côn Đảo

Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về dự án BOT Quốc lộ 51 dừng thu nhưng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục bàn giao, nếu xuống cấp thì ai chịu trách nhiệm duy tu, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện thủ tục bàn giao, để Bộ GTVT tiếp quản việc quản lý cũng như bảo trì.

“Trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo thực hiện việc tiếp quản, vị trí nào hỏng cần nâng cấp bảo trì, Bộ GTVT sẽ bỏ tiền ra và sau này sẽ tính toán khi thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo, Bộ trưởng cho biết, dự án này đã được phê duyệt và được Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo dự kiến, khi nâng cấp đường cất hạ cánh vẫn giữ nguyên chiều dài 1.830m.

Về vấn đề này, Bộ GTVT đã trao đổi với Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và địa phương đề xuất mong muốn giao cho UBND tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi theo hình thức PPP, khi đó mới thực hiện nâng cấp sân bay Côn Đảo.

Xin nguồn vốn vượt thu dứt điểm nâng cấp Quốc lộ 27, tuyến tránh TP Bảo Lộc

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Lâm Văn Đoan (đoàn Lâm Đồng) về tuyến QL27 15 năm qua vẫn còn một số đoạn ngắn khoảng 20km chưa hoàn thành; tuyến đường tránh TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã khởi công từ năm 2017, đến nay đã hoàn thành 70% khối lượng nhưng do vướng mắc nguồn vốn sau 6 năm thì vẫn chưa hoàn thiện, không đảm bảo ATGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc hoàn thành nốt 20km tuyến QL27 là cần thiết.

Năm 2019 đã nghiên cứu lập dự án để nâng cấp cải tạo, tuy nhiên khi trình lên Chính phủ và Quốc hội nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa được xem xét.

Bộ GTVT đã dành quỹ bảo trì để xử lý, năm 2023 dành hơn 40 tỷ, năm 2024 dành 124 tỷ bảo trì và sửa chữa một số đoạn. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm được vấn đề này cần phải xây dựng dự án để nâng cấp, bảo trì.

Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của đại biểu khi các cấp có thẩm quyền có chủ trương về sử dụng dự phòng trung hạn hoặc sử dụng nguồn vượt thu hàng năm, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục tham mưu để bố trí nguồn vốn cho dự án triển khai dứt điểm.

Liên quan đến đường tránh TP Bảo Lộc, vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có phương án, tờ trình gửi Bộ GTVT và Chính phủ. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ giải quyết vấn đề này theo đề xuất của tỉnh và tôi tin rằng thời gian tới sẽ có câu trả lời để triển khai hoàn thiện tuyến này đưa vào vận hành để phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Vướng mắc vật liệu làm cao tốc đã được xử lý

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) về vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vật liệu đất, cát, san nền để thực hiện các công trình đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng cho biết có việc khó tiếp cận nhưng không phổ biến, chỉ ở một vài dự án và chỉ trong giai đoạn đầu triển khai.

Cụ thể, khi làm thủ tục để được cấp mỏ, doanh nghiệp phải mất thời gian trong khi dự án vẫn phải làm, nên giai đoạn đầu doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên thị trường, có những nơi đòi giá cao hơn so với giá công bố khiến doanh nghiệp không thể mua vì sẽ không thể hạch toán.

Theo quy trình của Nghị quyết 43, việc cấp mỏ cũng được các địa phương giải quyết rất nhanh so với thời gian quy định trong Luật Khoáng sản, tuy nhiên vẫn còn địa phương lúng túng trong việc áp dụng Nghị quyết 43.

Lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo Bộ TN&MT đã vào các địa phương, đặc biệt là khu vực miền Tây như Đồng Tháp, An Giang để giải quyết. Bộ trưởng khẳng định đến nay, vấn đề nguyên vật liệu đã được xử lý.

Đẩy mạnh kết nối. phát triển vận tải biển

Về giải pháp phát huy phương thức vận tải đường biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tạo động lực cho sự phát triển của các tỉnh, thành có biển theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre), Bộ trưởng đồng tình với đánh giá tiềm năng lợi thế về biển của Việt Nam rất lớn.

Dẫn số liệu hiện cả nước có 34 cảng biển với 100 cầu cảng, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là tiềm năng rất lớn của đất nước, để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước và kinh tế biển.

Để tiếp tục phát huy được tiềm năng lợi thế, Bộ GTVT đang triển khai quy hoạch lĩnh vực hàng hải làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải với mục tiêu năm 2030 có 34 cảng biển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng từ 1.322 -1.589 triệu tấn hàng.

Cùng với đó, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối hạ tầng. Bộ GTVT đã phê duyệt đề án phát triển tàu biển, tập trung nâng cao năng lực vận chuyển ở các chặng ngắn, trước mắt là các chặng trong khu vực châu Á, khi đủ năng lực sẽ mở các tuyến dài hơn.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển theo đúng quy hoạch, cố gắng thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp tập đoàn tài chính lớn và có kinh nghiệm trên thế giới.

Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistic

Mở đầu phiên chất vấn sáng 8/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) tham gia tranh luận và nhắc lại câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trước đó về chi phí logistics hiện nay đã giảm, nhưng trong thực tế chi phí này vẫn cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, năm 2022, chi phí logistic của Việt Nam là 16,8%, dù vẫn còn cao so với bình quân chung của thế giới, song cũng đã tiệm cận với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển logistic của Việt Nam: đến năm 2025 chi phí logistics ở mức 16- 20%.

“Điều này đã minh chứng bằng chỉ số hiệu quả logistic của Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới công bố tháng 3/2023, theo đó Việt Nam xếp 43/139 nước tham gia xếp hạng và đứng thứ 4 trong khối ASEAN.

Đây là những kết quả ban đầu để chúng ta tiếp tục phấn đấu. Thực tế dư địa để giảm chi phí logistic vẫn còn nhiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, tập trung một số giải pháp như tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đầu tư phát triển cảng cạn, trung tâm logistic để phát triển vận tải đa phương thức…

Vừa qua đã có 4 quy hoạch lĩnh vực, mới nhất Quy hoạch cảng hàng không cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký. Khi triển khai thực hiện 5 quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để tính toán kết nối giữa các phương thức vận tải với nhau, đặc biệt là kết nối đường thuỷ với các cảng biển.

Trong 5 quy hoạch này, hàng hải là quy hoạch trung tâm, từ đó tăng cường kết nối với đường thuỷ, đường bộ, đường sắt.

Các tuyến đường sắt sắp tới sẽ được triển khai như tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai, tuyến kết nối Cái Mép - Thị Vải lên các cửa khẩu phía Tây Nam… Trong khi đó, đường thuỷ sẽ tập trung khắc phục vấn đề tĩnh không cầu để các phương tiện lưu thông thuận lợi trên các luồng thuỷ nội địa.

Giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến giá, chi phí vận tải như phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…

Song song với đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát chi phí để phát triển cảng xanh, cảng thông minh, góp phần giảm thủ tục, thời gian tiếp nhận tàu ra/vào, tăng năng suất khai thác. Hiện nay, Việt Nam đã có các cảng biển đạt chuẩn trong khu vực như cảng Cái Mép, Lạch Huyện.

“Bộ GTVT cũng tiếp tục chủ động phối hợp các địa phương, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương để tránh dàn trải”, Bộ trưởng cho biết.

Nguồn: baogiaothong,vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)