Ngày 24/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp nghe báo cáo giải trình về thiết kế cơ sở cảng biển Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Cùng dự họp có các đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông, Văn phòng Bộ, Cục Hàng hải VN, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn.
Đại diện đơn vị Tư vấn báo cáo giải trình về thiết kế cơ sở cảng biển
Dự án tổ hợp hóa dầu (THHD) Long Sơn
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị Tư vấn đã báo cáo giải trình về thiết kế cơ sở cảng biển Dự án tổ hợp hóa dầu (THHD) Long Sơn. Theo đó, mặt bằng cảng quy hoạch được phê duyệt cho nhóm cảng biển số 5 năm 2009 bao gồm hai đê phía Bắc và phía Nam. Đê phía Bắc bố trí cho Cảng THHD Long Sơn, phía Nam bố trí cho cảng Nhà máy lọc dầu số 3, khu gần bờ bố trí cho Cảng tổng hợp tiềm năng. Với mặt bằng này tạo thành khu nước kín đảm bảo cho quá trình khai thác lâu dài và ổn định. Tuy nhiên, việc bố trí mặt bằng như vậy thì khu vực tàu sẽ bị đẩy vào phía trong dẫn đến khối lượng nạo vét lớn. Trên cơ sở đó, Tư vấn Thiết kế đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất 4 phương án điều chỉnh mặt bằng Cảng THHD Long Sơn: cầu dẫn ngắn có đê chắn sóng; cầu dẫn ngắn không có đê chắn sóng; cầu dẫn trung bình có đê chắn sóng; cầu dẫn trung bình không có đê chắn sóng. Với các tiêu chí đánh giá về an toàn hàng hải, mức lặng sóng tại bến, khả năng xây dựng, thời gian xây dựng, tác động đến môi trường, vốn đầu tư, chi phí hoạt động, khả năng mở rộng thì phương án Cầu dẫn độ dài trung bình không có đê chắn sóng được Tư vấn thiết kế đánh giá cao nhất. Sự cần thiết của đê chắn sóng sẽ được xem xét chi tiết trong giai đoạn thiết kế chi tiết.
Như vậy theo phương án mặt bằng Cảng THHD Long Sơn đề xuất thì vị trí cảng LSP được dịch chuyển về phía đầu đê trong mặt bằng Quy hoạch; vị trí cảng Nhà máy lọc dầu số 3 dịch chuyển về hạ lưu khoảng 600m; tuyến luồng vào cảng gần như không đổi so với Quy hoạch 2009.
Theo đánh giá của đơn vị Tư vấn, mặt bằng cảng THHD Long Sơn được đề xuất trên cơ sở mặt bằng quy hoạch năm 2009 đáp ứng các tiêu chí sau: không tác động đến các dự án cảng lân cận tại khu vực đảo Long Sơn; đảm bảo khai thác an toàn với thời gian dừng hoạt động hợp lý ngay cả với mặt bằng cảng hở (không có đê chắn sóng); khối lượng nạo vét ban đầu nhỏ dẫn đến giảm chi phí đầu tư ban đầu cũng như tác động xấu đến môi trường; khối lượng nạo vét duy tu tương tự khối lượng nạo vét duy tu tại mặt bằng theo Quy hoạch 2009; vị trí đê chắn sóng (nếu có) không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải trên luồng Cái Mép - Thị Vải; đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Tại cuộc họp, đại diện các Vụ, Cục liên quan đã có ý kiến đánh giá phương án mặt bằng đề xuất cùng với việc xem xét có xây dựng đê chắn sóng hay không; đánh giá mức độ sa bồi tuyến luồng, đánh giá sự cố tràn dầu với mặt bằng cảng hở…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đồng ý với việc thay đổi mặt bằng cảng THHD Long Sơn so với mặt bằng cảng quy hoạch (với việc bỏ hai đê chắn sóng và di chuyển vị trí bến bằng cầu dẫn theo đề xuất của Chủ đầu tư). Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Chủ đầu tư phải làm rõ một số vấn đề sau: phải có nghiên cứu tổng thể mặt bằng cảng biển thay thế mặt bằng cảng biển tại Quy hoạch năm 2009 mà trước đây Bộ GTVT đã phê duyệt; làm rõ tác động của việc thay đổi này đối với khu bến cảng tổng hợp và khu bến cảng Nhà máy lọc dầu số 3; Tư vấn thẩm tra phải có trách nhiệm thẩm tra và báo cáo; đồng thời phải có ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về vấn đề này. Trên cơ sở đồng ý của Bộ GTVT, Chủ đầu tư giao đơn vị Tư vấn triển khai thiết kế chi tiết gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đặc biệt, khi xây dựng phương án tổ chức khai thác phải bổ sung hệ thống phao tiêu, báo hiệu để đảm bảo an toàn hàng hải.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét tính hợp lý việc thay đổi mặt bằng cảng biển chi tiết so với Quy hoạch năm 2009 và báo cáo để Bộ GTVT ký văn bản chấp thuận thay đổi.
Vũ Hoa