Đẩy nhanh công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Ngày 24/03/2014
Chiều 24/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) nhằm đẩy nhanh công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa Tổng công ty. Đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước VN…, các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công cùng đại diện nhiều cơ quan thuộc Bộ cùng tham dự buổi làm việc.

Chiều 24/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) nhằm đẩy nhanh công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa Tổng công ty. Đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước VN…, các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công cùng đại diện nhiều cơ quan thuộc Bộ cùng tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV SBIC Nguyễn Ngọc Sự đã báo cáo tình hình tái cơ cấu của SBIC về các nội dung rút vốn thương hiệu, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu các khoản nợ, đồng thời đưa ra các khó khăn trong quá trình thực hiện công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ để các bộ, ngành và lãnh đạo Bộ GTVT cùng tìm cách tháo gỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Sự cũng trình bày Tờ trình số 600/Tr-CNT về việc xây dựng kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị thành viên và Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy. Theo đó, SBIC sẽ có 11 đơn vị (trong đó có TCT mẹ - SBIC) được xây dựng kế hoạch cổ phần hóa, chuyển nhượng cổ phần. “ Tổng công ty đã ban hành các Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa của các đơn vị dự kiến sẽ cổ phần hóa trong năm 2014- 2015”, ông Sự cho biết.

SBIC cũng dự kiến hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin; Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Hạ Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh trong năm 2014. Riêng Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa năm 2007, sau CPH doanh nghiệp liên tục kinh doanh có hiệu quả cao. Năm 2013 và đầu năm 2014 thực hiện tăng vốn điều lệ bằng hình thức góp phần lớn tài sản, đất đai và lao động của Công ty TNHH Bến Kiền vào Sông Cấm để nâng cao năng lực, mở rộng sản xuất. SBIC đề nghị Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho Damen và các nhà đầu tư khác trong năm 2014.

Các doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long; Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng; Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sẽ được hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015, trong đó Công ty mẹ dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2015.

SBIC đề nghị Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm
cho Damen và các nhà đầu tư khác trong năm 2014

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo SBIC, các đồng chí đại diện các Bộ, ngành, ngân hàng … và ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Nguyễn Văn Công, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh Vụ Quản lý Doanh nghiệp – Bộ GTVT, các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT, Ngân hàng... đã tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn CNTT VN trước đây và Tổng công ty CNTT.

“ Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu của SBIC là quá chậm, trong đó nguyên nhân là cách làm của SBIC và các bộ, ngành cũng như các cơ quan của Bộ GTVT còn chưa cương quyết, dứt điểm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2014”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Vụ QLDN Bộ GTVT phải siết chặt hơn nữa công tác thực hiện tái cơ cấu SBIC. Bộ trưởng cũng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, hoàn thành tái cơ cấu nợ và cổ phần hóa; Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp, lao động. Cụ thể, trong Quý 2/2014 phải thực hiện xong việc tái cơ cấu nợ cũng như xử lý dứt điểm việc rút vốn thương hiệu của các doanh nghiệp; tháng 4/2014 phải hoàn thành việc tái cơ cấu lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp của SBIC. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo SBIC tập trung tái cơ cấu sản xuất và các công việc khác nhằm nhanh chóng ổn định, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên, lao động và phát triển sản xuất.

Hoàng Lâm