Phát triển bền vững Giao thông hàng hải Việt Nam

Ngày 04/06/2010
Với hơn 3260 km chiều dài bờ, hơn 1 triệu Km2 mặt biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam là điều kiện hết sức thuận lợi để nước ta phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế Hàng hải nói riêng. Thực tế Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế Hàng hải. Hội nghị BCHTƯ khóa X lần thứ 4 về chuyên đề Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007) đã xác định kinh tế Hàng hải có vị trí ưu tiên thứ hai (sau ngành dầu khí) trong các lĩnh vực kinh tế biển, với vận tải biển được xác định là lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn.
1. Vài nét về hoạt động Hàng hải Việt Nam
Với hơn 3260 km chiều dài bờ, hơn 1 triệu Km2 mặt biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam là điều kiện hết sức thuận lợi để nước ta phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế Hàng hải nói riêng. Thực tế Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế Hàng hải. Hội nghị BCHTƯ khóa X lần thứ 4 về chuyên đề Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007) đã xác định kinh tế Hàng hải có vị trí ưu tiên thứ hai (sau ngành dầu khí) trong các lĩnh vực kinh tế biển, với vận tải biển được xác định là lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn.
Hiện tại Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với cơ cấu thương mại đang dịch chuyển dần từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương sang khu vực Âu –Mỹ. Vận tải hàng hóa bằng đường biển là một nội dung cạnh tranh trong hoạt động thương mại, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  
Sau gần 3 năm kể từ khi Chiến lược biển Việt Nam ra đời, ngành Hàng hải Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Với hệ thống hạ tầng gồm 49 cảng biển (17 cảng biển loại 1; 23 cảng biển loại 2; 9 cảng biển loại 3) trên 126 cầu bến với tổng chiều dài tuyến mép gần 40 km, hơn 100 bến phà và khoảng 2,2 triệu m2 bãi chứa và đội tàu biển 952 chiếc tàu (chỉ tính tàu trọng tải từ 150 DWT trở lên) với tổng trọng tải 3.609.453 DWT (bình quân 3.791 DWT/tàu) của 240 doanh nghiệp đã tạo cơ sở vững chắc cho vận tải biển vươn cao, vươn xa với tốc độ tăng trưởng 8-8,5%/năm . Vài số liệu thống kê sau cho thấy điều đó:
Năm
Vận chuyển hàng hóa
(Triệu tấn)
Hàng hóa qua cảng
(Triệu tấn)
Hành khách qua cảng
(Khách)
Tăng trưởng chung
(Tấn.Km)
2007
61,35
181,12
350.000
93.100.000.000
2008
69,28
196,58
511.200
115.415.472.000
2009
68,59
198,60
584.200
138.341.400.000
(Niên giám thống kê 2007, 2008 và số liệu thống kê 2009 của Tổng cục Thống kê)
Công nghiệp đóng tàu Việt Nam đã có thể đóng và sửa chữa những con tàu hàng chục nghìn tấn, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trên thị trường đóng tàu quốc tế.
2. Hoạt động Hàng hải và ô nhiễm môi trường
Ngành kinh tế Hàng hải gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: khai thác cảng biển, kinh doanh vận tải biển, đóng mới và sửa chữa tàu biển, phá dỡ tàu cũ, dịch vụ cung ứng hàng hải, hoạt động logistics,…
Ngoài những lợi ích kinh tế to lớn do ngành mang lại, hoạt động hàng hải đồng thời cũng góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường biển. Các hoạt động này thải vào nguồn tiếp nhận (biển) lượng chất thải đáng kể, đa dạng về loại hình, chủng loại và mức độ nguy hại. Sau đây là một số dạng chất thải từ các hoạt động hàng hải.
 
-Nước thải từ tàu biển và phương tiện hàng hải, nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển, cảng biển, bãi và kho chứa hàng. Nước thải thường gồm một trong số nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp hoặc nước dằn tàu. Lượng nước thải thường có khối lượng lớn. Nước thải sinh hoạt có hàm lượng cao các vi sinh, các chất hữu cơ (COD và BOD), các hợp chất chứa Nitơ, lưu huỳnh gây ô nhiễm. Nước thải công nghiệp tàu biển thường chứa các tác nhân ô nhiễm có mức nguy hại và hàm lượng cao như dầu khoáng, hóa chất tẩy rửa, kim loại nặng hòa tan độc hại (As, Fe, Pb, Cr, Ni, Cd, Mn, Co, ...).
Số liệu thống kê tại công ty TNHH Hyundai- Vinashin cho thấy lượng nước thải công nghiệp công ty cần thanh thải là rất lớn, năm 2008 là 7.010 m3, 9 tháng đầu năm 2009 là 3.530 m3. Còn tại cảng Hải Phòng, năm 2008 theo thống kê của Cảng vụ hàng hải, lượng nước thải lẫn dầu gây ô nhiễm nặng từ 394 tầu biển đến cảng có nhu cầu thanh thải là 4.578 tấn (trong đó có 2561 tấn dầu cặn). Trao đổi, thanh thải nước dằn tàu (nước Ballast) cũng là một vấn đề môi trường, sinh thái đáng lưu ý đối với việc vận hành, khai thác tàu biển. Quá trình này thường gây ra sự xâm nhập của sinh vật, vi sinh vật lạ có hại đối với môi trường sinh thái biển nơi tàu thực hiện việc thanh thải, trao đổi nước ballast. Tại cụm cảng Hải Phòng – Quảng Ninh, theo thống kê của các Cảng vụ hàng hải địa phương, những năm gần đây mỗi tháng có khoảng 400 tàu xuất ngoại, lượng nước ballast cần thanh thải ước tính khoảng 430.000- 710.000 m3.
-Khí thải từ tàu thuyền, phương tiện và hoạt động xếp dỡ hàng hóa, các nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển.
Từ các phương tiện này phát sinh bụi, tiếng ồn, rung động; các khí thải độc hại chủ yếu là CO, NOx, SO2, VOC, các khí nhà kính chủ yếu là CO2 từ động cơ. Tuy nhiên việc kiểm soát khí thải từ tầu chưa được thực hiện, vì hiện Việt Nam chưa tham gia phụ lục VI: kiểm soát khí thải từ tầu/ Công ước MARPOL 73/78.
-Chất thải rắn từ hoạt động Hàng hải.
Nhóm chất thải này được chia thành 2 loại nhưng cũng rất đa dạng, phức tạp và có khối lượng lớn. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ sinh hoạt của nhân viên, công nhân tại cảng, nhà máy, thủy thủ đoàn. Loại này có thành phần chính là bao gói thực phẩm, nước uống (giấy, túi nilon, vỏ đồ hộp nhựa hoặc kim loại), các chất thải hữu cơ thực phẩm. Chất thải công nghiệp hàng hải từ nhà máy đóng- sửa chữa tàu biển, cảng biển, kho bãi gồm vật liệu thải, phế liệu, chất thải rắn nguy hại, cặn rắn dính dầu, hạt mài chứa bã sơn, cặn sơn, hóa chất hàng hóa thải, ... Theo thống kê của Công ty TNHH Hyundai- Vinashin, năm 2008 và 9 tháng đầu năm 2009 tại đây đã thanh thải 238 tấn rác thải sinh hoạt, 7.220 tấn rác thải công nghiệp, 4.493 tấn chất thải nguy hại.
3. Phát triển kinh tế Hàng hải gắn liền với bảo vệ môi trường
Như trên đã trình bày, phát triển kinh tế Hàng hải là một xu thế tất yếu, là ý chí của toàn Đảng toàn dân ta. Tuy nhiên phát triển kinh tế luôn mâu thuẫn với bảo vệ môi trường và đây cũng là một quy luật tất yếu khác. Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế đất nước nói chung, phát triển kinh tế Hàng hải nói riêng vừa bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển ? Câu trả lời đã được giải quyết thông qua Nguyên lý Phát triển bền vững thể hiện trong Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) tại hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Môi trường và Phát triển (Earth Sumit), Rio de Janeiro –Braxin, năm 1992. Phát triển bền vững trong ngành hàng hải là Phát triển kinh tế Hàng hải phải gắn liền với bảo vệ môi trường biển. Để làm được điều này cần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 kết hợp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41/2004/NQ-TW của Bộ Chính Trị ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 14/CT-BGTVT ngày 22/12/2008 của Bộ trưởng BGTVT về tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt đông GTVT. Cụ thể, ngành cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây.
- Thực hiện phát triển cân đối các lĩnh vực kinh tế hàng hải, bảo đảm lợi ích phát triển của các ngành kinh tế biển khác nhằm đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế biển với việc duy trì được chất lượng môi trường, bảo toàn chức năng sinh thái của hệ thống tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển.
- Hoàn thiện và thống nhất hệ thống quản lý môi trường trong ngành Giao thông vận tải nói chung và ngành hàng hải nói riêng. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm thực hiện công tác BVMT của các tổ chức và các cơ sở trong hoạt động hàng hải.
- Tăng cường năng lực bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia hoạt động Hàng hải theo Nghị định 81/2007/NĐ- CP ngày 23/5/2007 của Chính Phủ Quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn và bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
- Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các chính sách về BVMT trong hoạt động hàng hải. Xây dựng lộ trình phù hợp để tiếp tục tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển cho ngành hàng hải Việt Nam. Ví dụ, xem xét tham gia đầy đủ các phụ lục III, IV, V, VI/ Công ước MARPOL 73/78 về Chống ô nhiễm biển do các hoạt động của tàu biển.
- Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ BVMT trong hoạt động hàng hải theo lộ trình 2010- 2015, 2016- 2020 và các năm tiếp theo.
- Kiểm soát sự tuân thủ luật Bảo vệ môi trường của Nhà nước và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về BVMT trong hoạt động hàng hải.
- Từng bước áp dụng công nghệ sạch hơn vào các lĩnh vực Hàng hải.
- Kiểm soát sự phát thải chất ô nhiễm trong các hoạt động hàng hải.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế ngành với các nội dung nêu trên chính là thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, bảo vệ lợi ích, uy tín và thương hiệu ngành; tạo cơ sở vững chắc để ngành tiếp tục phát triển ổn định, lâu dài và bền vững.
TS. Ngô Kim Định, ThS. Nguyễn Đức Thuyết
Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải