Cảng biển Hải Phòng trước nguy cơ thành bãi chất thải công nghiệp: Cần “thuốc tốt” để trị “bệnh nặng”

Ngày 05/11/2010
Tình trạng nhập khẩu chất thải công nghiệp về Việt Nam qua cảng biển Hải Phòng ngày càng diễn biến phức tạp. Do chế tài xử lý việc nhập khẩu chất thải công nghiệp còn nhiều hạn chế nên một số đơn vị, cá nhân có hiện tượng “nhờn luật”. Trước thực trạng đó, cần những biện pháp kiên quyết và tổng thể để tránh nguy cơ cảng biển Hải Phòng trở thành…bãi chất thải công nghiệp nguy hại.
Tình trạng nhập khẩu chất thải công nghiệp về Việt Nam qua cảng biển Hải Phòng ngày càng diễn biến phức tạp. Do chế tài xử lý việc nhập khẩu chất thải công nghiệp còn nhiều hạn chế nên một số đơn vị, cá nhân có hiện tượng “nhờn luật”. Trước thực trạng đó, cần những biện pháp kiên quyết và tổng thể để tránh nguy cơ cảng biển Hải Phòng trở thành…bãi chất thải công nghiệp nguy hại.
Hàng nghìn công-ten-nơ chất thải nhập về Hải Phòng
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2010, lực lượng chức năng thành phố phát hiện hơn 300 công-ten-nơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, quá thời gian làm thủ tục đang lưu bãi nhập khẩu vào các cảng biển Hải Phòng.
Ngày 2-6, tại kho cảng Green Port, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố) và Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) kiểm tra 3 công-ten-nơ nhựa phế liệu từ Hàn Quốc theo tàu Liberty Star cập cảng Green Port Hải Phòng ngày 12-2 đang chờ tái xuất đi Trung Quốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số hàng trên là chất thải nguy hại lẫn nhiều tạp chất, không đủ điều kiện nhập khẩu và tạm nhập tái xuất. Tiếp đó, ngày 1-7, tại cảng Đoạn Xá, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 15 công-ten-nơ chứa nhựa phế liệu có lẫn nhiều tạp chất chưa qua xử lý. Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đã quá thời hạn quy định nhưng công ty đứng tên vận đơn không làm thủ tục hải quan và không nhận số hàng trên. 15 công-ten-nơ này theo tàu biển vào cảng Đoạn Xá từ cuối tháng 3-2010 được khai báo là nhựa phế liệu.
Ngày 17-6, các cơ quan chức năng thành phố tiếp tục phát hiện 6 công-ten-nơ chứa rác thải lẫn nhiều tạp chất nguy hại chưa được làm sạch được vận chuyển từ Hồng Kông về cảng Đình Vũ chờ tái xuất đi nước thứ 3. Khi lực lượng chức năng phát hiện những công-ten-nơ có biểu hiện vi phạm trên, liên hệ với các đơn vị nhập khẩu ghi trên vận đơn thì họ lập tức có công văn từ chối nhận hàng với các lý do là hàng không đúng như hợp đồng hoặc…gửi nhầm địa chỉ.
Theo thống kê, từ 2003 - 2006, gần 2.300 công-ten-nơ chứa khoảng 37.000 tấn ắc-quy chì phế thải được nhập vào khu vực cảng Hải Phòng. Trong hai năm 2008 và 2009, cơ quan chức năng ở Hải Phòng tiếp tục phát hiện 340 công-ten-nơ rác phế liệu và hàng chục công-ten-nơ ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập khẩu. Trước tình hình trên, UBND thành phố vừa có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành xử lý số hàng phế thải tồn đọng này.
Lực lượng liên ngành kiểm tra công-ten-nơ chứa chất thải công nghiệp được nhập về cảng Hải phòng
Cần có “thuốc” chữa căn bệnh “nhờn luật”
Thực trạng nhập rác công nghiệp về Hải Phòng đã diễn ra từ nhiều năm trước. Tại hội thảo phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu do Cục cảnh sát môi trường tổ chức tại Hải Phòng, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng cục Hải quan Hải Phòng cho rằng: “Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất ngày càng tăng nhanh thì việc nhập khẩu nguyên liệu, phế liệu là giải pháp buộc phải lựa chọn vì nguồn trong nước không đủ. Nhà nước ta có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phế liệu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để nhập khẩu hàng hóa không bảo đảm vệ sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nhập khẩu chất thải công nghiệp là việc vận chuyển, nhập khẩu "rác" của các nước tiên tiến thải ra mang lại lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong nước tìm mọi cách "lách luật", ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp để thu lợi bất chính. Tội phạm thường sử dụng thủ đoạn vận chuyển hàng hóa vi phạm vào Việt Nam dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3. Nội dung hợp đồng, thủ tục khai báo Hải quan đều thể hiện là những mặt hàng hợp pháp nhưng thực chất bên trong công-ten-nơ là phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên người nhận lại. Bằng nhiều thủ đoạn tạm nhập, tái xuất, các doanh nghiệp trên đã lén lút vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam. Như một phản ứng dây chuyền, khi lực lượng chức năng phát hiện, các đơn vị tiếp nhận lô hàng lập tức có công văn từ chối nhận hàng. Việc xử lý các đơn vị xuất khẩu chất thải công nghiệp ở nước ngoài khó có thể thực hiện được vì hầu hết là những doanh nghiệp “ma”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ “xuất khẩu” rác thải công nghiệp sang Việt Nam hoặc sang nước thứ 3, chúng xóa mọi dấu vết khiến lực lượng chức năng (kể cả Interpol) khó lần ra địa chỉ để xử lý.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu chưa rõ ràng, việc triển khai còn lúng túng. Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chỉ dừng ở xử phạt hành chính với số tiền quá nhỏ so với lợi nhuận thu được nên doanh nghiệp tiếp tục vi phạm. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đó, các ngành chức năng cần tham mưu với cấp có thẩm quyền có những chế tài chặt chẽ trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý cần được các ngành chức năng tiến hành thường xuyên, tránh việc kiểm tra theo đợt cao điểm như thời gian qua. Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng trong thực hiện những biện pháp nghiêm khắc, toàn diện để Hải Phòng tránh nguy cơ trở thành…bãi rác thải công nghiệp là hết sức cần thiết./.
Huyenhs(Theo báo http://haiphongcity.vn/)