Phát triển giao thông đường thủy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngày 11/09/2012
Thời gian tới, TPHCM tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của giao thông thủy (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường), đảm bảo phát triển bền vững.
Cùng với phát triển giao thông đường bộ, hệ thống kênh rạch tại TPHCM đã được nạo vét mở rộng, rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thủy nội địa. Trong tương lai, hệ thống đường thủy sẽ trở thành trung tâm kết nối với các phương thức vận tải khác tạo thành hệ thống liên hoàn thông suốt. Nhiều lợi thế TPHCM có lợi thế mạng lưới sông, kênh, rạch với tổng diện tích mặt nước chiếm khoảng 17% diện tích TP, thông suốt qua nhiều quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao thông thủy, nhất là du lịch đường thủy. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP, cho biết, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ sắp được nạo vét xong, đây là thời điểm để phát triển giao thông thủy. Ban đầu sẽ hình thành các tuyến du lịch. Sau đó sẽ tính đến phát triển mạnh về giao thông kết hợp cùng hệ thống đường Võ Văn Kiệt, đường trên cao… “Công đoạn nạo vét toàn bộ tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ được hoàn tất trước Tết Nguyên đán năm 2013. TP cũng đang nghiên cứu đề án tổ chức phát triển du lịch thủy trên tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và tăng cường cây xanh, tạo cảnh quan đẹp dọc tuyến kênh này. UBND TPHCM yêu cầu các sở ban ngành chức năng sớm hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị, giai đoạn 1 và 2 đường Võ Văn Kiệt; bồi thường giải phóng mặt bằng trên tuyến kênh Hàng Bàng (đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Lò Gốm, quận 6) và bàn giao cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị trước tháng 3-2013 để nạo vét và nâng cấp mở rộng”- ông Phúc cho biết. Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé tương lai sẽ là tuyến giao thông thủy quan trọng nối thông với hệ thống sông rạch đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết, cuối năm nay, khi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được nạo vét xong, TP sẽ cho mở tuyến giao thông thủy. độ an toàn đều đạt chuẩn, nhất là hệ thống cầu trên tuyến này đạt độ cao thông thuyền. Điểm thuận lợi của tuyến này là thông suốt từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Thuật, rạch Nước Lên, kênh Đôi - kênh Tẻ đến sông Bến Lức (Long An). Như vậy sẽ tạo thành tuyến đường thủy kép của TP. Nếu phát huy tối đa sẽ giảm áp lực về vận tải hàng hóa đường bộ từ miền Tây về TPHCM và ngược lại. Hiệu quả cao Thời gian tới, TPHCM tận dụng tốt nhất điều kiện tự nhiên, đồng thời đầu tư tập trung có kế hoạch để phát triển tối đa lợi thế của giao thông thủy (vận tải hàng hóa khối lượng lớn, giá thành rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường), đảm bảo phát triển bền vững. Theo định hướng phát triển, nội thành còn có 3 tuyến giao thông thủy nội đô khác xuất phát từ bến Nhà Rồng đang được nghiên cứu. Tuyến thứ nhất, từ sông Sài Gòn lên Củ Chi. Tuyến thứ hai, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đi về hướng huyện Bình Chánh. Tuyến thứ ba, hướng theo kênh Tẻ, đi dưới cầu Tân Thuận để ra ngã ba sông Chợ Đệm. Hiện nay, TP có trên 200 cảng, bến, trong đó có 4 cảng lớn: Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé và Nhà Bè; hơn 40 bến đò lớn nhỏ đủ điều kiện phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách. Sông, kênh, rạch trên địa bàn TP đủ điều kiện cho nhiều tàu, thuyền từ 20 tấn trở lên qua lại thuận lợi, lợi thế này gấp nhiều lần so với các tỉnh ĐBSCL. TPHCM còn có một mạng lưới đường thủy nội ô phong phú. Tiềm năng này nếu được quy hoạch và đầu tư hợp lý sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải của giao thông đường bộ hiện nay. Mạng lưới cảng, bến thủy nội địa cũng nằm trong dự án quy hoạch. Đối với hệ thống cảng, Sở GTVT sẽ tổ chức sắp xếp cảng hàng hóa, hành khách trên tuyến kênh Tẻ; chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu vực cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức); xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng hóa đường sông như: cảng Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), cảng Phú Định (quận 8), cảng Long Bình (quận 9); cải tạo một phần cảng Sài Gòn tại vị trí bến Nhà Rồng, Khánh Hội thành cảng hành khách du lịch cỡ nhỏ, xây dựng bến tàu khách quốc tế tại khu Công viên Phú Thuận. Hệ thống bến thủy nội địa cũng được cải tạo và sắp xếp lại tại khu bến tàu khách Bạch Đằng, quy hoạch lại các bến hàng hóa trên tuyến vành đai ngoài và phía Bắc thành phố và các bến khách tại các trục kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ - kênh Đôi và sông Sài Gòn.
Trongpv – Theo Báo SGGP