Australia: Tăng gấp 3 lần vốn đầu tư cho nhà máy nhiên liệu sinh học

Ngày 16/10/2012
Aurora - công ty chuyên sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo ở Karratha, phía tây Australia, hồi đầu năm công bố đầu tư 100 triệu USD cho mô hình thương mại. Tuy nhiên, do nhà máy vận hành quá tốt và nhận thấy tiềm năng to lớn từ loại nhiên liệu này, lãnh đạo nhà máy tuyên bố tăng kế hoạch đầu tư lên 300 triệu USD.
Aurora - công ty chuyên sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo ở Karratha, phía tây Australia, hồi đầu năm công bố đầu tư 100 triệu USD cho mô hình thương mại. Tuy nhiên, do nhà máy vận hành quá tốt và nhận thấy tiềm năng to lớn từ loại nhiên liệu này, lãnh đạo nhà máy tuyên bố tăng kế hoạch đầu tư lên 300 triệu USD.
Theo đó, diện tích đất phát triển sản xuất cũng tăng lên. Ban đầu, công ty dự kiến sử dụng khoảng 100 hecta ao trồng tảo nhưng sau đó quyết định sẽ mở rộng ra 400 hecta.
Tảo được trồng ở các hồ nước ở khu vực này, sau đó được hớt váng, sấy khô. Nhiên liệu sinh học được sản xuất từ việc tách dầu từ bột tảo khô.
Cơ sở sản xuất dự kiến sẽ đưa vào vận hành sản xuất thương mại vào giữa năm 2014 và đến khi kế hoạch mở rộng hoàn thành, nhà máy này sẽ có năng lực sản xuất 1 triệu lít dầu diesel sinh học mỗi năm.
Ông Matthew Caspari, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành nhà máy Aurora, cho biết ngành công nghiệp này sẽ có thị trường tiềm năng. “Chúng tôi đã thử nghiệm sản phẩm với các khách hàng tiềm năng và phần lớn khu vực khai thác mỏ, các công ty và các nhà phân phối dầu mỏ truyền thống ở đây rất quan tâm”, ông Caspari nói.
Loại tảo mọc ở khu vực này hấp thụ các-bon dioxyde và công ty hi vọng rằng sẽ phối hợp với các nhà máy địa phương có khí thải các-bon dioxyde để đảm bảo nguồn cung sẵn sàng.
Theo ông Caspari, nhà máy Aurora sẽ được hưởng lợi từ thuế các-bon. “Chúng tôi sử dụng nguyên liệu các-bon trong quy trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm hữu ích từ nguyên liệu này. Đây là một phương pháp sản xuất độc đáo”, ông Caspari nhận định. “Các nhà máy thải ra lượng khí thải các-bon lớn trong khu vực rất quan tâm tới dự án của chúng tôi. Và cơ hội dự án mang lại có thể giúp họ có một số lợi ích từ khí thải các-bon chứ không xem CO2 như một tác nhân gây ra các vấn đề về môi trường và là gánh nặng thuế cho công ty”.
Nhà máy Aurora sẽ không chỉ sản xuất diesel sinh học mà còn tách dầu omega-3 và protein trong quy trình tinh lọc. Những sản phẩm phụ này sẽ được sử dụng hiệu quả. Ngành nuôi trồng thủy sản muốn thu mua protein và nhu cầu dầu omega 3 cũng khá cao.
“Trong các loại thực phẩm chức năng, trước đây dầu omega -3 được chiết suất từ dầu cá và mọi người thường uống dầu cá dạng viên”, ông Caspari nói. “Nhu cầu các sản phẩm này đang tăng mạnh và nhiều bằng chứng khoa học đã chứng tỏ lợi ích sức khỏe của chúng. Nguồn cung loại dầu này khá khan hiếm nên chúng tôi sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu dầu omega 3 mới cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Ý tưởng này đã có phản hồi tích cực”.
Longlv - Theo Petrotimes