TPHCM được cảnh báo có chất lượng không khí ô nhiễm khá nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng chủ yếu xuất phát từ hoạt động sản xuất, giao thông và xây dựng. Điều đáng nói là những nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng không khí ô nhiễm hiện gặp nhiều khó khăn.
Nội ngoại thành đều ô nhiễm
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, kết quả quan trắc chất lượng không khí trong năm 2012 đã khả quan hơn so với những năm trước. Nồng độ các chất nox, benzen, chì đã giảm đáng kể. Nhiều thời điểm đạt tiêu chuẩn cho phép. Duy chỉ có nồng độ các chất bụi, CO2 là vẫn còn vượt tiêu chuẩn cho phép. Có thể tạm chia thành 2 khu vực để xác định mức độ cũng như loại hình gây ra ô nhiễm. Cụ thể, đối với khu vực nội thành, nồng độ các chất ô nhiễm vượt chỉ tiêu thường là CO2 do khu vực này có mật độ giao thông dày đặc. Cộng với hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng ùn ứ, kẹt xe diễn ra khá thường xuyên. Riêng khu vực ngoại thành nguyên nhân gây ô nhiễm lại xuất phát từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN).
Ông Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, đã từng khẳng định, hiện chỉ khoảng 10% nhà máy sản xuất đầu tư hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn cho phép. Số ít DN đầu tư hệ thống xử lý khí nhưng công nghệ đã quá lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu nồng độ khí thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn mới mà Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Phần lớn còn lại là các DN chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống xử lý khí thải hoặc đầu tư hệ thống xử lý khí nhưng rất ít khi sử dụng. Những DN này thường chấp nhận nộp phạt nếu bị các đoàn thanh tra môi trường phát hiện.
Thực tế này xuất phát từ việc các chủ DN lợi dụng khả năng khó kiểm soát chất lượng khí thải của cơ quan chức năng. Mặt khác, công nghệ kiểm soát khí thải của các cơ quan chức năng cũng lạc hậu và thường phải đo đạc thủ công nên với những cột khói thải của DN có độ cao từ 4m – 10m cũng không thể thực hiện kiểm tra được. Ngoài ra, các DN thường lợi dụng vào thời điểm đêm tối để xả khí thải trực tiếp ra môi trường, gây khó khăn rất nhiều cho lực lượng thanh kiểm tra.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, một nguyên nhân chủ quan khác gây khó cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý chất lượng không khí chính là sự xuống cấp và hư hỏng của 9 trạm quan trắc không khí tự động. Các trạm này được hình thành và phát triển thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài. Trong đó, 4 trạm do chính phủ Đan Mạch tài trợ vào năm 2000 và 5 trạm do chính phủ Na Uy tài trợ vào năm 2002. Kể từ năm 2009, các trạm quan trắc trên đã ngưng hoạt động hoàn toàn do thiết bị đã hư hỏng nặng và thiếu kinh phí để tái đầu tư, cải tạo.
Hiện việc đánh giá chất lượng không khí thành phố chỉ dựa vào kết quả đo đạc từ 6 trạm kiểm soát bán tự động. Việc đo đạc thủ công 3 lần/ngày cộng với điểm đo đạc quá ít, 6 điểm trên tổng diện tích thành phố quá lớn khiến cho những thông số ô nhiễm không khí thực sự không đầy đủ.
Gỡ khó, cách nào?
Để gỡ khó, theo ông Trần Nguyên Hiền, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TPHCM cấp ngân sách để tái đầu tư, cải tạo hệ thống trang thiết bị kiểm soát không khí cũng như nước mặt. Trước mắt, sẽ xin đầu tư mới 2 trạm quan trắc nước mặt và cải tạo lại 2 trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, việc có đầu tư được trong năm nay hay không còn phải chờ nguồn vốn cấp từ thành phố.
Mặt khác, trong khi chờ hoàn thiện hạ tầng trang thiết bị kiểm soát chất lượng không khí, sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh nhiều giải pháp giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại. Cụ thể, với khu vực nội thành cải tạo lại hệ thống đường giao thông để giảm tình trạng ùn tắc xe cộ; thắt chặt kiểm soát phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Theo đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như cam kết sẽ đề xuất đình chỉ hoạt động công trình.
Về phía khu vực ngoại thành, sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và xử phạt với những DN có hành vi vi phạm khí thải; tăng mức xử phạt lên khung cao nhất để răn đe DN vi phạm. Đồng thời, hoàn thiện việc lập danh sách các DN gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là những DN sản xuất xen cài trong khu dân cư. Từ đó, áp dụng giải pháp di dời vào khu sản xuất tập trung hoặc chuyển đổi theo hướng không gây ô nhiễm môi trường.
Về lâu dài, hiện thành phố đang đẩy mạnh nhiều chương trình giảm khí thải ô nhiễm khác như khởi công xây dựng hệ thống tuyến đường sắt đô thị - Metro Bến Thành - Suối Tiên; phát triển mạnh phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt tăng cường sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường…
Có thể nói, việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trên sẽ từng bước góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.