“Ði tắt", con đường ngắn nhất dẫn đến tai nạn

Ngày 07/07/2008
Nhiều người tham gia giao thông không chịu đi vòng hoặc đi thêm một đoạn để sang đường đúng chỗ đã quy định. Người đi bộ băng sang đường ở bất cứ chỗ nào gần nhất. Xe máy, xe đạp chỉ vì ngại đi vòng vài ba chục mét mà cứ thế "leo" lên những dải "con lươn" ngăn cách để sang đường hoặc quay đầu xe bằng con đường ngắn nhất, nhưng lại nguy hiểm nhất...
Vượt rào "đi tắt" tại km số 13 quốc lộ 1ANhiều người tham gia giao thông không chịu đi vòng hoặc đi thêm một đoạn để sang đường đúng chỗ đã quy định. Người đi bộ băng sang đường ở bất cứ chỗ nào gần nhất. Xe máy, xe đạp chỉ vì ngại đi vòng vài ba chục mét mà cứ thế "leo" lên những dải "con lươn" ngăn cách để sang đường hoặc quay đầu xe bằng con đường ngắn nhất, nhưng lại nguy hiểm nhất...
Ở Hà Nội, có một thời gian dải phân cách đường Ngọc Hồi bị đục đẽo thành rất nhiều cái rãnh. Những cái rãnh ấy thoai thoải và bề ngang chỉ vừa đúng bánh xe máy để phi qua. Không ít vụ va chạm giữa các phương tiện đã xảy ra chỉ vì cách quay đầu xe thiếu ý thức đó.

Ngành giao thông khắc phục bằng cách dựng lên những hàng rào sơn xanh ở khá nhiều con đường tuyến phố. Ngăn được xe máy, xe đạp nhưng không thể ngăn được người đi bộ, họ vẫn vượt rào như không. Có những lần rất nhiều thanh sắt bị ai đó (hoặc một nhóm nào đó) giật tung ra để tạo thành những cái lỗ chui sang đường.

Dọc đường Giải Phóng, Ngọc Hồi có rất nhiều chỗ bị phá để lấy nơi chui qua chui lại như thế. Anh Lê Tiến Thịnh, lái xe ôm ở Bến xe Nước Ngầm nói: "Tôi chạy xe từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nhưng cũng không biết ai đã cắt rào để lấy nơi chui sang đường cả. Chỉ thấy rào được vá rồi lại bị cắt liên tục, lâu lâu người ta cũng chán không vá lại nữa". Lại có những đoạn hàng rào bị cắt nguyên cả ô như đoạn rào gần trường THPT Việt Nam - Ba Lan bị cắt rất to, xe cải tiến chở vật liệu xây dựng đi qua dễ dàng.

Tại không ít nơi, đối tượng "xé rào" phần lớn lại là người có học, đó là những học sinh, sinh viên muốn qua đường để sang điểm đón xe buýt bên kia đường.

Hương Ly, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, mỗi ngày chui rào hai lượt, từ điểm đón xe buýt bách hóa Thanh Xuân sang bên kia đường và ngược lại. Cô giải thích: "Ði vòng để sang điểm đón xe buýt bên kia dù theo hướng nào cũng rất xa, đi lên rồi lộn lại cũng mất hơn 10 phút, trong khi chui rào chỉ mất vài ba phút là cùng"...

Xa đã đành, nhưng ở điểm đón xe buýt Bách Khoa, nếu sang đường đúng nơi quy định thì chỉ phải đi một đoạn rất ngắn, nhưng nhiều sinh viên vẫn cứ chui rào, hỏi chuyện một sinh viên "chui rào" được nghe câu trả lời như sau: Tiện chỗ nào gần thì em sang thôi, biết là sai đường nhưng mọi người đều thế cả mà...

Có những hàng rào được làm khá vững chắc, song đối với những người thiếu ý thức chấp hành luật lệ giao thông thì họ vẫn có cách để lách. Nơi hàng rào tiếp giáp với cột đèn đường cũng là một "lỗ hổng". Trường hợp rào kín hoặc dải phân cách là các khối bê-tông nối dài thì họ trèo vượt rào...

Trong quản lý giao thông, người ta rất chú ý tổ chức điểm quay đầu xe và sang đường (có biển báo, có vạch sơn hoặc đèn tín hiệu chỉ dẫn). Nếu để người tham gia giao thông quay đầu xe và sang đường tuỳ tiện, rất dễ xảy ra va chạm với dòng xe đang vận hành theo trục chính, gây tai nạn đáng tiếc.

Một số nơi phải làm đường ngầm và cầu vượt để hạn chế bớt điểm "xung đột", dù là tốn kém. Hành vi chui rào, vượt rào phá vỡ những quy tắc và cố gắng nói trên, cần phải ngăn chặn. Ðể thay đổi thói quen "đi tắt"  trước hết là giáo dục ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông trong mỗi người dân.

Cần tiến hành điều tra về nhóm người hay "vượt rào" để tập trung tuyên truyền  đúng đối tượng. Nếu là học sinh, sinh viên thì kết hợp với nhà trường, tổ chức Ðoàn thanh niên sở tại để giáo dục, tổ chức viết cam kết không vi phạm. Ðồng thời, vào giờ cao điểm, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, trật tự đường phố đứng ở những điểm nói trên để nhắc nhở, biểu dương những người chấp hành đúng, thông báo tên người vi phạm về trường học, tổ dân phố. Trường hợp cần thiết có thêm lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ...

Bài và ảnh: BÍCH NGỌC