Tìm lời giải chung cho giao thông ở Hà Nội và TP. HCM

Ngày 29/05/2008
Vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội và TP. HCM đã lên đến cao điểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của hai thành phố cũng như của quốc gia. Bài viết này đề xuất một số giải pháp vĩ mô chung cho cả hai đô thị.
Vị thế của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Một góc Thủ đô Hà Nội (Ảnh VNN)

Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Skyscraper.com)

Thủ đô Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử một nghìn năm văn hiến. Một thành phố xinh đẹp, cổ kính, có nhiều cảnh quan, di tích lịch sử tầm vóc toàn cầu, hiếm thấy trong số thủ đô của nhiều nước trên thế giới.

Với diện tích 927km2 và dân số trên 3,5 triệu người, nhưng tỷ lệ mặt đường trên diện tích chung của Hà Nội chỉ là 1,04%, trên đó đang lưu thông 198.170 xe ô tô và 1.931.486 xe gắn máy, chưa kể xe đạp và các loại xe thô sơ khác. Hệ thống giao thông công cộng có 927 xe buýt và 3.500 xe taxi, trong năm 2007 chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân.

TP. Hồ Chí Minh được hình thành khoảng 375 năm trước đây, là nơi hội tụ hai nền văn hóa Đông – Tây, còn là dấu ấn lịch sử thời kỳ mở nước xuống phía Nam của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn nhất nước với diện tích 2.095,2km2 và dân số hơn 7 triệu người. Tỷ lệ mặt đường trên diện tích chung của đô thị 1,23%, có khoảng 340.000 xe ô tô các loại và trên 3,5 triệu xe gắn máy. Hệ thống giao thông công cộng có 3.250 xe buýt và 8.000 xe taxi, mỗi năm chỉ đáp ứng khoảng 6,2% nhu cầu đi lại của người dân.

Trên cơ sở đô thị cũ, hai thành phố này được người Pháp quy hoạch lại cách đây hơn 100 năm. Hà Nội được qui hoạch cho 1 triệu dân, TP. Hồ Chí Minh cho 1,5 triệu dân.

Trong gần một thế kỷ qua do hoàn cảnh chiến tranh vệ quốc kéo dài, hai đô thị trên không được phát triển và mở rộng, hầu như giữ nguyên trạng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng. Nhưng ngược lại, cả hai thành phố đều phải dung nạp số lượng lớn người nhập cư, nhất là trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế…

Đến nay, cả hai thành phố đều đã chịu sức ép quá tải do cơn lốc đô thị hóa gây ra và hiện là hai thành phố có mức độ kẹt xe, ùn tắc giao thông vào bậc nhất trong khu vực. Việt Nam được xếp đầu bảng trong danh sách các quốc gia có tai nạn giao thông chết người cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, vị trí lịch sử và vai trò hiện tại của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là không thể thay thế được đối với Việt Nam.

Do đó, việc giải quyết vấn đề đô thị quá tải cũng như nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thể coi là việc riêng của hai thành phố lớn này mà là của cả quốc gia. Thiết nghĩ cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và tham gia tích cực hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp vĩ mô.

Lời giải chung ở tầm vĩ mô

Nhà nước cần sớm có một chiến lược hoàn chỉnh về phát triển đô thị cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết hai mục tiêu chính là: Khắc phục sự quá tải giao thông hiện nay, đồng thời bảo đảm cho hai thành phố này phát triển bền vững, để duy trì vị trí lịch sử và vai trò đầu tàu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Khắc phục hậu quả:

Nút giao thông Hàng Xanh và Thủ Đức ở TP.HCM (nguồn: tedisouth.com)
1. Cần mở rộng không gian của hai thành phố theo đúng công năng và dân số đã quy hoạch. Nhanh chóng giãn dân ra các khu ngoại thành đang xây dựng và dự kiến xây dựng trong tương lai, kể cả những đô thị vệ tinh, để giảm áp lực dân số và phương tiện giao thông cá nhân.

2. Nghiên cứu thiết lập một số nút giao thông lập thể để thay thế cho vòng xoay và những vị trí nút cổ chai trong nội đô, cũng như xây dựng hệ thống đường vượt trên cao (fly-over) ở những khu vực cho phép để giải tỏa nạn kẹt xe.

3. Từng bước hạn chế và cải thiện nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông nội đô, giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là tai nạn chết người bằng các biện pháp tổng hợp “tình thế và lâu dài” theo một lộ trình cụ thể, có tiến độ cho từng thời kỳ.

4. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân hiểu biết “văn hóa đô thị”, “thượng tôn pháp luật”, đồng thời áp dụng mạnh mẽ các biện pháp chế tài để xử phạt những người cố tình vi phạm. Đưa thành phố vào kỷ cương nề nếp của đô thị công nghiệp văn minh, hiện đại.

Phát triển bền vững:

1. Gấp rút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phương tiện cho các hệ thống giao thông công cộng mới như metro, nonorail… Những phương tiện này sẽ từng bước “chia lửa” với xe buýt và xe taxi hiện có, để hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân. Trên cơ sở đó, chuẩn bị hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, được quản lý từ các trung tâm điều khiển với các thiết bị tiên tiến.

2. Hạn chế xây dựng công trình dân sinh ở các khu vực trung tâm, và các khu phố cổ mà tương lai có hướng bảo tàng, bảo tồn. Ưu tiên đầu tư vào các khu, các quận mới ngoại thành, kể cả các đô thị vệ tinh với đầy đủ tiện nghi để thu hút dân cư. Mặt khác tiến hành chỉnh trang đô thị, nên tập trung vào kết cấu hạ tầng đang bị khiếm khuyết, hư hỏng, xuống cấp làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân.

Những vấn đề được nêu trên đều là những công việc rất khó khăn và phức tạp đòi hỏi phải đầu tư sức người và khối lượng vật chất to lớn, vừa khẩn trương nhưng cũng lâu dài. Nhanh chậm sẽ tùy thuộc vào quyết tâm của các cấp lãnh đạo, của sự đồng thuận xã hội và sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của người dân ở hai thành phố lớn này.

  • Ngô Lực Tải (Nguyên Giám đốc Sở Giao thông – Công chánh TP. HCM)