Qua 23 năm tái lập tỉnh, cao trào là 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, sự chung sức góp vốn của Nhân dân và các nguồn vốn tài trợ… tỉnh Cà Mau đã thực hiện trên 5.500 km đường bê tông và trên 3.500 cầu nông thôn. Hệ thống này kết nối các trục đường chính về trung tâm xã, giữa các xã với nhau tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Bên cạnh đó, 82/82 xã có đường ô tô về đến trung tâm.
Vùng quê chuyển mình
Phát triển hạ tầng nông thôn để kết nối giữa phát triển kinh tế với văn hoá - xã hội.
Phú Tân và Ngọc Hiển là 2 huyện ven biển có vị trí địa lý khá xa so với trung tâm tỉnh. Thời điểm mới chia cách (năm 2004), những địa phương này gặp rất nhiều khó khăn, giao thông chủ yếu là đường thuỷ. Song, từ khi được xây dựng tuyến tỉnh lộ về trung tâm huyện đấu nối với tuyến Quốc lộ 1 và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ KVNT, đến nay giao thông nông thôn ở Phú Tân đã phát triển mạnh mẽ.
Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân Trần Trường An cho biết, tuy xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng qua 16 năm hình thành, với sự quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Phú Tân đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng để thực hiện trên 300 công trình đường nông thôn với chiều dài trên 600 km và trên 540 cây cầu. Phấn đấu đến hết năm nay sẽ có trên 50% xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM.
“Trước đây, muốn tuyên truyền, vận động người dân phải mất nhiều thời gian vì đi lại chỉ độc đạo bằng đường thuỷ, lộ làng có chăng cũng chỉ là đất đỏ, cầu ván. Bây giờ thì khác rồi, xe gắn máy đến được nhà các hộ dân, đến xã họp hoặc trao đổi công việc cũng lẹ làng hơn”, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Mỹ Bình (ấp ven biển thuộc xã Phú Tân, huyện Phú Tân) Nguyễn Văn Tấn bộc bạch.
Cũng ngần ấy thời gian, huyện Ngọc Hiển đã thực hiện được trên 330 km đường nông thôn, kết nối những trục giao thông chính với những vùng xa trên địa bàn huyện. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, sinh hoạt đời sống hàng ngày chủ yếu phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng. Chuyện con cháu được đạp xe đến trường, thương lái đi xe đến tận nơi thu mua tôm, cá, xe rao bán hàng hoá lưu động trong xóm… là điều không tưởng, nhưng bây giờ là hiện thực”, ông Nguyễn Văn Bản, người dân ấp Kinh Đào, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, trải lòng.
Bên cạnh đó, vùng đất phèn U Minh, kênh rạch chằng chịt đan xen với những vạt rừng tràm dày đặc, từng được ví là “địa chỉ nghèo” của tỉnh ngày nào, nay sáng sủa hơn khi được tỉnh đầu tư xây dựng gần 167 km đường ô-tô kết nối với các tuyến. Theo đó, huyện đã thực hiện trên 570 km đường nông thôn và 300 cầu bê tông, liên kết các trục giao thông giữa các xã, ấp với xã và đến các tuyến dân cư.
“Trên địa bàn xã có đến 20 ấp, trong đó không ít ấp đi qua lâm phần rừng tràm và điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Song, tranh thủ các nguồn vốn và huy động mọi nguồn lực trong dân, đến nay địa bàn xã có hơn 250 km đường nông thôn liên xã, liên ấp, xóm với nhiều tuyến có chiều rộng mặt đường từ 2-2,5 m qua 19/20 ấp. Phát triển hạ tầng đường bộ góp phần thúc đẩy địa phương phát triển mọi mặt. Xã Nguyễn Phích thực hiện đạt 13/19 tiêu chí NTM”, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Nguyễn Hồng Biên phấn khởi.
Đổi mới nông thôn
Vượt qua khó khăn của hệ thống kênh rạch chằng chịt, các tuyến đường được chuẩn hoá bê tông cứ tiếp nối, lan toả rộng khắp KVNT. Không chỉ mở hướng giao thông thuận tiện mà trên những tuyến đường ấy còn nâng tầm văn hoá, làm đẹp cảnh quan môi trường miệt vườn, giúp nông dân tiếp cận với khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất, giao thương hàng hoá…
“Có đường, có điện lưới quốc gia, người dân giảm đầu tư trong sản xuất mà thu nhập cũng tăng lên do không bị ép giá đầu ra sản phẩm như trước đây chỉ trông chờ thương lái đến thu mua. Mỗi tối rỗi rãi, tản bộ đến nhà mấy ông bạn già, uống trà trao đổi kinh nghiệm sản xuất… Thấy rằng, khi người dân được đáp ứng các nhu cầu cần thiết về điện, đường, trường, trạm, thực sự đổi mới nông thôn”, ông Phạm Văn Thuận, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, bộc bạch.
Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hướng tới xây dựng, tổ chức đời sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, từ năm 2016, tỉnh chọn huyện Cái Nước và Thới Bình thí điểm cuộc thi “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Cuộc thi này nhằm rút ra những kinh nghiệm về cách thức, biện pháp, cách làm cụ thể đối lập đời sống dân cư giữa 2 vùng ngọt, mặn.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên, cuộc thi gồm 3 nội dung: Hộ gia đình có phong cảnh xanh - sạch - đẹp; ấp có phong cảnh xanh - sạch - đẹp; trụ sở văn hoá ấp trang trí sạch - đẹp và có nội dung hoạt động phong phú. Với 8 ấp, trụ sở, 40 hộ gia đình tiêu biểu được khen thưởng của tỉnh và nhiều hộ gia đình được huyện biểu dương, khích lệ trong năm 2016 tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan toả trong cộng đồng dân cư cùng hoà nhịp xây dựng NTM.
Thới Bình là một trong những huyện tiên phong xây dựng hạ tầng đường bộ. Trên địa bàn huyện có hơn 850 km đường nông thôn được bê tông hoá. Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thới Bình Kiều Công Minh cho biết: “Sớm phát triển hệ thống giao thông đường bộ, thuận lợi cho huyện thực hiện đạt nhiều tiêu chí NTM. Trong năm 2020, có 8/10 xã NTM và thị trấn đạt 24/26 tiêu chí chuẩn đô thị văn minh”./.