Hàng không quốc tế khó “cất cánh” vì loạn quy định phòng dịch

Ngày 11/10/2021
Vấn đề này đã được nêu bật tại cuộc họp đầu tiên của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA).

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng trở lại nhưng những quy định quản lý, phòng dịch xuyên biên giới vẫn ngổn ngang, mâu thuẫn cản trở hàng không thế giới “cất cánh”.

Vấn đề này đã được nêu bật tại cuộc họp đầu tiên của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) được tổ chức sau gần hai năm dịch Covid-19 bùng phát.

IATA kêu gọi thế giới học tập mô hình chứng nhận vaccine của EU. Ảnh: EC

Nhu cầu hàng không ấm dần

Tại cuộc họp của IATA diễn ra tại thành phố Boston (Mỹ), Tổng giám đốc IATA Willie Walsh khẳng định, nhu cầu hàng không đang tăng trưởng rõ rệt. IATA dự kiến, trong năm 2022, lưu lượng vận tải hàng không quốc tế sẽ tăng gấp đôi so với mức quá thấp trong giai đoạn đại dịch và sẽ đạt 44% so với mức trước dịch.

Mặt khác, hàng không nội địa sẽ đạt 93% lưu lượng ở thời điểm trước dịch.

IATA dự đoán: “Năm 2020, tổn thất với ngành hàng không toàn cầu là 137,7 tỷ USD và sẽ giảm còn 52 tỷ USD trong năm nay và giảm tiếp xuống 12 tỷ USD trong năm 2022”.

Nếu có thể sớm mở cửa một cách an toàn, các hãng hàng không sẽ có thể sớm phục hồi và giảm bớt thiệt hại.

Ông Tim Clark, người đứng đầu hãng hàng không Emirates chỉ ra, số lượng đặt vé tại các thị trường đang mở cửa trở lại đã tăng theo cấp số nhân. Nếu có thể sớm đón đầu nhu cầu này, ngành hàng không thế giới sẽ giảm bớt những tổn thất lợi nhuận đang chất chồng từng ngày.

Loạn quy định quản lý

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất lúc này chính là quy định quản lý và kiểm soát dịch bệnh đối với ngành hàng không.

IATA - Tổ chức đại diện cho 290 hãng hàng không trên toàn cầu - nhận định, mâu thuẫn về quy định kiểm soát dịch bệnh giữa các nước đang kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không toàn cầu.

Chẳng đâu xa, ngay tại sự kiện của IATA, một số lãnh đạo hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay đã không thể tham dự sự kiện vì vướng mắc quy định phòng dịch. Một số người không thể bay sang hoặc phải đi sớm hơn nhiều ngày để thực hiện cách ly theo đúng quy định.

Về phía các hãng hàng không, ông Joanna Geraghty, Chủ tịch hãng hàng không JetBlue cho rằng: “Thành thật mà nói, các chính phủ vẫn chưa làm rõ quy định đi lại để các hãng hàng không và người dân dễ hiểu”.

Tổ chức IATA đã thực hiện cuộc khảo sát về quy định kiểm soát phòng dịch đối với vận tải hàng không quốc tế tại 50 quốc gia và nhận thấy, giữa các nước tồn tại khác biệt rất lớn.

Cụ thể, trong 50 quốc gia, có 38 nước (tương đương 76%) vẫn áp đặt các rào cản đi lại, chỉ có 7 nước cho phép nhập cảnh không giới hạn. Trong 38 nước này, quy định hạn chế nhập cảnh cũng không nhất quán vì có 20 nước đang cân nhắc nới lỏng quy định với người đã tiêm phòng.

Về quy định xét nghiệm với trẻ vị thành niên, có 33 quốc gia miễn xét nghiệm với đối tượng này nhưng lại không thống nhất về độ tuổi. Nhiều nước còn có quy định khác nhau trong trường hợp trẻ vị thành niên đi cùng người trưởng thành đã tiêm phòng.

Ngoài ra, có 9 nước không công nhận các loại vaccine đã được WHO đồng ý. Giữa 50 nước lại có 5 định nghĩa khác nhau về đánh giá hiệu quả của vaccine.

Bên cạnh đó, tính đến hiện tại, chỉ có 4 nước (Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Áo) công nhận kết quả miễn dịch của người đã hồi phục sau nhiễm Covid-19 có hiệu lực tương đương như người đã tiêm phòng, theo IATA.

Về quy định xét nghiệm, 46/50 nước yêu cầu phải có xét nghiệm trước khi lên máy bay. Trong đó, 24 quốc gia yêu cầu xét nghiệm theo phương thức PCR với chi phí đắt đỏ; chỉ 16 nước chấp nhận xét nghiệm kháng nguyên và phải làm thêm xét nghiệm PCR nếu kết quả xét nghiệm nhanh là dương tính.

Kêu gọi học tập mô hình của EU

Việc thế giới thiếu thống nhất về quy định kiểm soát dịch bệnh
làm kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không

Do đó, tại hội nghị của IATA, các hãng hàng không thế giới đồng loạt kêu gọi các chính phủ nên bỏ quy định hạn chế đi lại với hành khách đã tiêm phòng đầy đủ.

Đồng thời, các nước cũng nên chuẩn bị phương án xét nghiệm để tạo điều kiện cho người chưa được tiếp cận hoặc không thể tiêm phòng, có thể di chuyển bằng đường hàng không.

IATA cũng cho rằng, các nước nên chấp nhận xét nghiệm kháng nguyên là lựa chọn chính vì giá cả phải chăng và thuận tiện trong quá trình di chuyển.

Hiệp hội này cũng kêu gọi chính quyền nên trợ cấp chi phí xét nghiệm, tránh để yêu cầu này thành rào cản làm thui chột nhu cầu hàng không. Đồng thời, các nước nên học theo mô hình chuẩn hóa quy định đi lại của Liên minh châu Âu (EU).

Theo IATA, EU đã công bố chứng nhận Covid-19 điện tử (EU DCC) trong thời gian rất ngắn, tạo điều kiện cho các nước trong khối sớm mở cửa đi lại.

EU DCC được cấp trên cả phiên bản giấy và điện tử (bao gồm 1 mã QR), chứa thông tin cần thiết về người được cấp. Tất cả người dân EU đã tiêm phòng đầy đủ, hồi phục sau Covid-19 và xét nghiệm âm tính trong khoảng thời gian cho phép đều có thể được cấp giấy.

EU DCC được cấp miễn phí, có tiếng bản ngữ và tiếng Anh và có giá trị tại tất cả các nước EU và khu vực Schegen. Tuy nhiên, EU mới chỉ công nhận các vaccine Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Janssen, chưa có sự thống nhất về vaccine của Trung Quốc và Nga.

Giấy chứng nhận này đã được phát hành và xác minh thành công tại 27 nước EU cùng với các nước đối tác thứ 3 như Bắc Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Ukraine.

Giai đoạn 2020 - 2022, hàng không thế giới có thể thiệt hại lên tới 200 tỷ USD

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), mức độ tác động của khủng hoảng Covid-19 với ngành hàng không toàn cầu là vô cùng lớn. Trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng thiệt hại có thể lên tới 200 tỷ USD. Để sống sót, các hãng hàng không đang phải cắt giảm triệt để chi tiêu, tận dụng tất cả những cơ hội kinh doanh có thể có.

Nguồn: Báo Giao thông