Đường sắt đề nghị Hưng Yên xóa gần 40 lối đi tự mở

Ngày 16/08/2022
Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Hưng Yên bố trí vốn xóa gần 40 lối đi tự mở, đảm bảo ATGT.

Cục Đường sắt VN vừa có văn bản đề nghị Hưng Yên bố trí vốn xóa 39 lối đi tự mở để giảm thiểu tai nạn tàu va người, phương tiện qua đường sắt.

Theo Cục Đường sắt VN, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng đi qua tỉnh Hưng Yên không dài, chỉ hơn 18km. Tuy nhiên, trật tự, ATGT đường sắt tại địa phương khá phức tạp vì đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn của huyện Văn Lâm, nơi tập trung dân cư đông đúc, sát các cơ sở sản xuất.

Tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng đi qua địa bàn có đến 53 giao cắt, gồm 10 đường ngang có gác, 4 đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động và đặc biệt còn tồn tại đến 39 lối đi tự mở.

Cần xóa bỏ lối đi tự mở dày đặc, vi phạm hành lang ATGT đường sắt ở Hưng Yên

Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với đường sắt triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt. Cụ thể: Cử người cảnh giới, chốt gác tại 8/8 điểm thuộc trách nhiệm của địa phương; Cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 39/39 lối đi tự mở; Rào thu hẹp 32/32 lối đi tự mở. Nhất là từ năm 2020 đến 6/2022 đã xóa bỏ được 5 vị trí lối đi tự mở.

Tuy nhiên, do tình hình lối đi tự mở, giao cắt đường bộ - đường sắt trên địa bàn tỉnh phức tạp nên những giải pháp đã thực hiện chưa đạt được kết quả mong muốn.

Nếu như năm 2021 không xảy ra vụ tai nạn GTĐS nào vì hạn chế chạy tàu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì 6 tháng đầu năm 2022 khi tàu chạy lại, đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, làm chết 2 người.

Vì vậy, Cục Đường sắt VN đề nghị tỉnh Hưng Yên hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ 39 lối đi tự mở qua đường sắt, mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn.

Cùng đó cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3m, làm êm thuận bề mặt lối đi tự mở qua đường sắt. Chủ trì trong việc giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại 12 vị trí vi phạm hành lang đường sắt và 4 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.

Đồng thời chủ trì giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt; Rà soát, bổ sung biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”, các vị trí rào thu hẹp đã bị hư hỏng, mất tác dụng, giải tỏa tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ...

Nguồn: Báo Giao thông