EU xem xét hạn chế sử dụng nhiên liệu sinh học

Ngày 13/09/2012
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc áp dụng luật hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ cây lương thực, thực phẩm, trước lo ngại hoạt động này sẽ gây hại cho môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng lương thực của khu vực châu Âu.
Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc áp dụng luật hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ cây lương thực, thực phẩm, trước lo ngại hoạt động này sẽ gây hại cho môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng lương thực của khu vực châu Âu.
Theo một dự thảo luật đang được EU xem xét, việc sử dụng nhiên liệu sinh học chế biến từ các loại cây lương thực thực phẩm như hạt cải dầu và lúa mì sẽ bị hạn chế xuống còn 5% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng trong ngành vận tải của EU vào năm 2020.
Kế hoạch trên cũng bao gồm cam kết sẽ chấm dứt tất cả các khoản trợ cấp của chính phủ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học từ nông sản, sau khi luật hiện hành liên quan vấn đề này hết hiệu lực vào năm 2020.
Theo đánh giá từ Ủy ban châu Âu (EC), trong giai đoạn sau năm 2020, nhiên liệu sinh học chỉ có thể nhận được trợ cấp nếu loại nhiên liệu này được chứng minh có thể hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và nguồn nguyên liệu sản xuất không phải từ các loại cây trồng được dùng làm lương thực cho người và vật nuôi.
Chính sách hạn chế sử dụng nhiên liệu sinh học trên được đề xuất sau khi các nghiên cứu khoa học của EU công bố báo cáo tỏ ý nghi ngờ về lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của loại nhiên liệu này, cho rằng nó không ít hơn lượng khí phát thải của các nguồn nhiên liệu truyền thống.
Ngoài ra, tình trạng mất mùa liên tiếp tại các quốc gia đang phát triển đã đẩy giá lương thực tăng cao và làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung lương thực trầm trọng.
Tuy nhiên, chính sách hạn chế trên có thể ảnh hưởng tới mục tiêu mang tính ràng buộc của EU, là tới cuối thập kỷ này, 10% lượng nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện giao thông đường bộ sẽ từ các nguồn có khả năng tái chế.
Để bù vào lượng thiếu hụt nhiên liệu sau khi luật trên được áp dụng, EC đang có kế hoạch tăng cường chế tạo nguồn nhiên liệu sinh học thay thế từ chính rác thải sinh hoạt và tảo.
Theo số liệu thống kê năm 2011, mức tiêu thụ nhiên liệu sinh học hiện tại ước tính khoảng 4,5% trong tổng số nhu cầu năng lượng vận tải của EU./.
Chinhpc - Theo vietnamplus