Thái Lan đang được khuyến khích đẩy mạnh phát triển ethanol và diesel sinh học bằng cách trao đổi, hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu.
Cựu giám đốc điều hành Viện Dầu khí của Thái Lan, Khunying Thongtip Ratanarat cho biết: "Chúng ta cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng trong việc hợp tác phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học. Sự hợp tác phát triển chung giữa các quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trong tương lai bởi vì chúng ta có thể phát triển, sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu sinh học giữa các quốc gia ASEAN”.
Ông Praipol Koomsap, một nhà kinh tế đang công tác tại Đại học Thammasat cho biết, nhiên liệu sinh học sẽ không chỉ cải thiện khả năng tự cung cấp nhiên liệu trong khu vực, mà còn làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Koomsap cũng cho hay, nguồn cung dầu thô có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra xung đột ở Trung Đông. Thái Lan hiện đang nhập khẩu hơn 50% trữ lượng dầu thô từ khu vực này. Do đó, ASEAN cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về giải pháp nhiên liệu thay thế.
Chi phí cho nhập khẩu dầu của Thái Lan mỗi năm ước tính lến đến 800 tỉ Baht, trong khi nhu cầu năng lượng gia tăng 5%. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu của nước này dự kiến sẽ tăng từ 60% lên 80% trong năm 2030.
Trong năm 2008, Thái Lan sử dụng 6,8% GDP cho nhập khẩu dầu, và dự kiến sẽ tăng lên 8,5% vào năm 2030.
Nhà kinh tế học Kriengsak Chareonwongsak đề nghị Thái Lan nên thiết lập một mục tiêu dài hạn cho việc sản xuất nhiên liệu thay thế phù hợp cùng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cần phải xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể.
“Một vài thập kỷ trước đây, Brazil thông báo sẽ trở thành một trung tâm sản xuất ethanol toàn cầu. Chính phủ và các công ty tư nhân Brazil đã hợp tác chặt chẽ, biến các dự án thành những hành động thực tế và đã đạt những thành công nhất định. Đó chính là bài học kinh nghiệm quí giá để các nước ASEAN học hỏi”.
Longlv - Theo Thanhnien