Thị trường xăng sinh học toàn cầu khủng hoảng thiếu: Cơ hội cho châu Âu?

Ngày 16/10/2012
Thị trường xăng sinh học toàn cầu đang khủng hoảng thiếu. Dự báo trong những năm tới, giá xăng sinh học sẽ tăng mạnh do lo ngại sự sụt giảm sản lượng xăng sinh học ở 2 cường quốc xăng sinh học của thế giới là Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, đây lại được coi là thuận lợi và cơ hội vàng để ngành sản xuất nhiên liệu sinh học ở châu Âu phát triển… chuyên gia Al Costa, sáng lập viên Công ty Xăng sinh học Alkol nhận định và phân tích trên OilPrice.
Thị trường xăng sinh học toàn cầu đang khủng hoảng thiếu. Dự báo trong những năm tới, giá xăng sinh học sẽ tăng mạnh do lo ngại sự sụt giảm sản lượng xăng sinh học ở 2 cường quốc xăng sinh học của thế giới là Brazil và Mỹ. Tuy nhiên, đây lại được coi là thuận lợi và cơ hội vàng để ngành sản xuất nhiên liệu sinh học ở châu Âu phát triển… chuyên gia Al Costa, sáng lập viên Công ty Xăng sinh học Alkol nhận định và phân tích trên OilPrice.
Sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Brazil đang gặp nhiều khó khăn do sụt giảm nguồn cung nguyên liệu chính - mía đường. Ba vụ mùa gần đây, sản lượng mía thu hoạch đều sụt giảm trầm trọng, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như năm nay, lượng mưa quá lớn trong tháng 4 đã khiến thời hạn thu hoạch mía bị chậm gần 1 tháng so với thông thường và số mía thu hoạch còn dùng được chỉ vẻn vẹn khoảng 60%, gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trầm trọng cho các nhà máy sản xuất NLSH trên khắp Brazil.
Có 14 nhà máy NLSH đã phải đóng cửa trong khi một số nhà đầu tư nước ngoài phải rao bán các cơ sở sản xuất NLSH của mình vì không “xoay” nổi nguyên liệu đầu vào. Trong số những nhà đầu tư đó có tập đoàn Abegoa của Tây Ban Nha và Total của Pháp. Abegoa đã bán 2 trong chuỗi 3 nhà máy ethanol của mình còn Total đang rao bán 53% cổ phần của một nhà máy sản xuất NLSH tại bang Minas Gerais để duy trì sản xuất kinh doanh.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi những năm gần đây, dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào Brazil đã cho phép một số lượng lớn người dân ở nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới dễ dàng sở hữu một chiếc xe hơi. Trong khi đó, phần lớn lượng xe hơi lưu hành ở Brazil đều sử dụng nhiên liệu hỗn hợp pha trộn giữa xăng truyền thống, ethanol và luật pháp Brazil quy định tất cả mọi loại xăng phải được pha trộn với 25% ethanol. Lượng xe hơi lưu hành gia tăng đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng nhiên liệu cũng gia tăng, tất yếu, trong đó có xăng sinh học. Với tình hình sản xuất xăng sinh học hiện tại, lượng cung đương nhiên không theo kịp với nhu cầu và dẫn đến một chuyện hy hữu là Brazil đang phải nhập khẩu ethanol từ Mỹ để đảm bảo nhu cầu trong ngắn hạn.
Không chỉ có vậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) cũng buộc phải nhập khẩu xăng trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2010 - thời điểm mà quốc gia này tự đảm bảo nhiên liệu được với nguồn cung ethanol dồi dào và nhu cầu sử dụng xăng ethanol của người dân trong nước còn lớn hơn là dùng xăng truyền thống. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff, để ngăn chặn lạm phát lại quyết định trợ giá cho xăng truyền thống. Và hệ quả của chính sách này đã thể hiện trong báo cáo kinh doanh tồi tệ nhất trong 14 năm qua của Petrobras - lỗ ròng khoảng 630 triệu USD trong quý II/2012. Bên cạnh đó, thị trường ethanol nội địa đang đà phát triển cũng một phần vì thế thụt lùi dần, thậm chí ngay cả khi người dân đã quen với xăng ethanol so với xăng truyền thống còn lớn hơn rất nhiều.
Trong khi đó, Mỹ - nước sản xuất NLSH lớn thứ 2 thế giới, vấn đề lại hơi khác một chút. Ngoài việc đang phải “ngậm ngùi” chấp nhận một vụ thu hoạch ngô tổn thất nhất (giảm hơn 15% sản lượng) trong 17 năm qua do đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1956, Mỹ đang phải đối mặt với một chương trình nghị sự phản đối sử dụng ngô làm nguyên liệu sản xuất NLSH thay vì làm lương thực. Trong khi đó, theo Luật Tiêu chuẩn Nhiên liệu tái tạo (RFS), trong năm 2012, các công ty cung cấp nhiên liệu của Mỹ phải đảm bảo tỷ lệ 9% là nhiên liệu ethanol, tức phải dùng tới khoảng 40% sản lượng ngô của nước này. Do đó, Mỹ cũng sẽ phải tính đến nhập khẩu ethanol nếu muốn đảm bảo mục tiêu trên.
Hơn nữa, từ năm 2010, Brazil đã loại bỏ biểu thuế nhập khẩu 20% với xăng sinh học. Còn tại Mỹ, năm 2011, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã hủy mức thuế 54 cent cho mỗi gallon xăng sinh học. Điều này có nghĩa rằng, xăng sinh học nhập khẩu vào Mỹ gần như sẽ không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào. Thực tế đó ở Brazil và Mỹ đang tạo một cơ hội thuận lợi chưa từng có với Liên minh châu Âu (EU), để xuất khẩu NLSH sang các thị trường này. Nếu EU chậm chân hoặc bỏ qua cơ hội này, các nước đầy tiềm năng về xăng sinh học khác như Ấn Độ, Australia… hẳn sẽ không bỏ lỡ. Vấn đề chỉ còn là thời gian.
Thúy Hoa - Theo Petrotimes