Thứ tư, 26/07/2023 15:31

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận được Văn bản số 2491/TTKQH-GS ngày 10/6/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đến Bộ GTVT.

Ảnh minh họa

Nội dung như sau: “Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Bình Định được tổ chức thi công từ cuối năm 2021. Đến nay, nhiều gói thầu thi công đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai, có gói thầu đạt 85% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có gói thầu tiến độ chỉ đạt 45% kế hoạch, gồm: XL-02 thi công xây dựng tuyến tránh An Khê (đi qua huyện Mang Yang và huyện Đak Pơ). Vì tiến độ thi công chậm nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, làm ăn của người dân, khó khăn trong việc tham gia giao thông, ùn tắc giao thông cục bộ, gây tai nạn giao thông.

Được biết Bộ Giao thông vận tải cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt, thậm chí đã ra tối hậu thư, nhưng tiến độ chậm vẫn hoàn chậm. Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đang bước vào mùa mưa, như vậy sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp như thế nào để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm dự án này?”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung chất vấn của đại biểu nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, QL.19 vốn vay WB (sau đây gọi tắt là Dự án) đang được Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng tiến độ giải ngân và sớm đưa Dự án vào khai thác, sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, phát huy hiệu quả đầu tư. Đến nay, 07 gói thầu xây lắp đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã được các nhà thầu thi công phủ kín bề mặt bê tông nhựa được 94,1/125,7km (75%) đã góp phần nâng cao an toàn giao thông trên tuyến QL19; trong đó có một số gói thầu đã triển khai thi công cơ bản hoàn thành bê tông nhựa như: gói XL03, 04B, 06, 07. Việc sớm hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và kết nối với nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi công Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc cả về khách quan và chủ quan như:

- Thời gian đầu triển khai thực hiện Dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện dãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhân sự Tư vấn giám sát người nước ngoài;

- Mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm, riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng) nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm đã bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm đi, làm lại nhiều lần và không thể triển khai thi công các lớp mặt đường làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các gói thầu, dự án;

- Từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường; từ khoảng tháng 03/2023, địa phương có chủ trương tạm dừng cấp phép và gia hạn khai thác để rà soát lại các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, cấp mới các mỏ đất san lấp và lấy ý kiến bổ sung của Bộ Tài nguyên Môi trường nên đến nay vẫn chưa cấp phép lại. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có các mỏ đất thương mại nên Dự án không có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường nhất là việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất đúng vào thời điểm mùa khô khu vực nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành Dự án;

- Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Gói thầu XL02 đoạn Km6+00 ÷ Km13+600 mới được địa phương bàn giao mặt bằng từ cuối tháng 01/2023, hiện vẫn còn 500m chưa bàn giao mặt bằng; quá trình triển khai thi công còn một số vướng mắc như: chưa di dời đường điện 22kV, một số hộ dân chưa cho thi công đoạn cuối tuyến gói thầu XL04B, 05 hộ dân trên địa phận gói XL05 chưa cho thi công rãnh dọc,...

- Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế. Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 - Chủ đầu tư dự án yêu cầu các Nhà thầu thi công lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu và quyết liệt, tập trung huy động máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án trong năm 2023 để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công Dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai như hiện nay là rất khó khăn, Bộ GTVT đề nghị Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai quan tâm, có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan ban, ngành của địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục liên quan đến gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp sử dụng cho Dự án để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của đại biểu đối với ngành Giao thông vận tải.

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)