Thứ năm, 10/08/2023 09:34

Bộ GTVT vừa có Công văn số 8663/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri cho rằng với tốc độ gia tăng nhanh các phương tiện giao thông hiện nay thì nhiều nút giao thông ùn tắc thường xuyên, kéo dài trong giờ cao điểm. Đề nghị Bộ quan tâm hơn đến công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, có quy hoạch tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phân tích dự báo tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông để có giải pháp xử lý”.

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm mục tiêu từng bước khắc phục ùn tắc giao thông, đặc biệt trên địa bàn hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều giải pháp mang tính đột phá được tổ chức thực hiện, như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; đưa vào hoạt động nhiều tuyến vận tải công cộng sức chứa lớn như tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; lắp đặt cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT cửa ngõ các thành phố lớn; điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông hợp lý; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hoá lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt; kiểm soát số lượng và khu vực hoạt động của xe taxi; bố trí lệch giờ làm việc, học tập; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.... tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã được khắc phục, hạn chế đáng kể.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị khá thấp, chưa đáp ứng theo quy định; sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông, chủ yếu là các phương tiện cá nhân vượt quá năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dẫn tới ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Trước tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2022-2025, Bộ GTVT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, một số nhóm giải pháp cụ thể kéo giảm ùn tắc giao thông như:

Phối hợp với các địa phương trong quá trình lập các quy hoạch tỉnh, thành phố đảm bảo phương án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng. Thực hiện nghiêm quy định đất dành cho giao thông chiếm từ 16-26% diện tích xây dựng đô thị; đảm bảo hệ thống giao thông cân bằng giữa Cầu và Cung.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng, cả quốc gia, vùng và địa phương. Phối hợp, hỗ trợ hai thành phố lớn đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công để sớm đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm, như: đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên tại thành phố Hồ Chí Minh...; tiếp tục phát triển dịch vụ xe buýt, nâng cao hiệu quả kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị, giữa vận tải công cộng nội đô với vận tải liên tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông hiện đại; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu phí không dừng; đầu tư trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông hiện đại với hệ thống giám sát toàn diện, trực tuyến, thông minh để nhanh chóng phát hiện hành vi vi phạm cũng như bất cập, sự cố, điểm nóng về trật tự án toàn giao thông có phương án khắc phục kịp thời và hỗ trợ xử phạt vi phạm (xử phạt nguội).

Chú trọng phát triển vận tải công cộng, có giải pháp quản lý phù hợp với việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực đô thị. Bộ GTVT tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; sự quyết tâm, nỗ lực của các bộ ngành, địa phương; cùng với các giải pháp đồng bộ nêu trên, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tỉnh, thành phố trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)