Thứ hai, 28/08/2023 14:53

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 9521/BGTVT-PC về việc trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến các vấn đề quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy.

Cụ thể, Văn bản nêu rõ: Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023,

“Nội dung kiến nghị: Theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng. Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy gặp tai nạn xảy ra, thì đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân và trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho người dân khi có vụ việc xảy ra. Do vậy, kiến nghị Bộ xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy vì nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt, còn khi mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lợi dụng vụ việc để trục lợi”.

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nói chung, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau: “Điều 8. Bảo hiểm bắt buộc

1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai...” Trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” và tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.

Như vậy, đối với kiến nghị này cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

2. “Nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó cần quy định rõ việc kiểm tra, giám sát cũng như trách nhiệm pháp lý của các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình giao thông không đảm bảo chất lượng kiểm định, không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn”.

Về nội dung kiến nghị này, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

- Luật Xây dựng năm 2014 quy định nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm quản lý toàn bộ công trường xây dựng, phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị và phương tiện thi công, phương tiện ra vào công trường, công trình ngầm và các công trình liền kề trong quá trình thi công xây dựng công trình; đảm bảo phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng công trình do mình và nhà thầu phụ thực hiện; thi công xây dựng theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng, thi công không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường và hành vi vi phạm khác do mình gây ra (tại các Điều 109, 111, 113, 115). Bên cạnh đó Luật Xây dựng năm 2014 cũng đã quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư dự án trong việc thi công xây dựng công trình, trong đó bao gồm: tổ chức giám sát và quản lý chất lượng trong thi công xây dựng; kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi 3 công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình (tại Điều 112, 115).

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng có quy định về việc thi công trên đường bộ đang khai thác, theo đó nhà thầu chỉ được tiến hành thi công khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng, phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; nhà thầu thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt (Điều 47).

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý công trình đường bộ, nhà thầu thi công xây dựng trong việc bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, theo đó tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật Đường bộ quy định “Đơn vị quản lý công trình đường bộ, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì, bảo hành công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ”, đồng thời tại khoản 6 Điều 25 dự thảo Luật Đường bộ cũng giao “Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ”. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đường bộ và các Nghị định hướng dẫn chi tiết tiết Luật Đường bộ (sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua), Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định này để đảm bảo quy định rõ việc kiểm tra, giám sát cũng như trách nhiệm pháp lý của các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình giao thông không đảm bảo chất lượng kiểm định, không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ dẫn đến tai nạn; đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)