Thứ sáu, 16/02/2024 13:40

Bộ GTVT vừa có Công văn số 1587/BGTVT-KHCN&MT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023 do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải, cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị như sau:

"Đề nghị nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, cụ thể: Các phương tiện chủ yếu được đóng dựa trên kinh nghiệm, không có thiết kế (đa số thuyền có quy mô, công suất nhỏ; phục vụ nhu cầu đi lại của đồng bào dân tộc thiểu số) dẫn đến không đăng ký, đăng kiểm phương tiện được; đồng thời, giảm phí hoặc hỗ trợ kinh phí đăng kiểm lần đầu đối với phương tiện thủy nội địa”.

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Sơn La nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

1. Về nội dung đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa: Điều kiện hoạt động đối với phương tiện thủy nội địa đã được quy định tại Điều 24 đến Điều 28 của Luật Giao thông đường thủy nội địa, trong đó có quy định phương tiện phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký, đăng kiểm; khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định. Về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ hiện nay được quy định tại QCVN 25:2015/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm giám sát kỹ thuật và đóng phương tiện thủy nội địa cỡ nhỏ, trong đó có yêu cầu hồ sơ thiết kế là điều kiện bắt buộc để làm cơ sở cho cơ quan đăng kiểm đánh giá, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thông qua việc tính toán, so sánh với các giá trị kỹ thuật quy định.
Đối với vấn đề này, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân liên quan tới công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, hướng dẫn các cơ sở đóng tàu, chủ phương tiện khắc phục vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021; chủ phương tiện liên hệ đơn vị thiết kế để lập thiết kế lập hồ sơ cho phương tiện đã đóng không có sự giám sát của đăng kiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 16/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, đặc biệt là những trường hợp cụ thể tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình (địa phương có hoạt động của các phương tiện thủy nội địa tại khu vực không có kết nối với các tuyến giao thông đường thuỷ khác, đồng thời tại khu vực cũng chưa có cơ sở đóng tàu có đủ năng lực theo quy định).
Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn đối với nội dung này, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện rà soát cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về hồ sơ thiết kế tại QCVN 25:2015/BGTVT nêu trên. Hiện tại, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương rà soát hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này để trình Bộ Giao thông vận tải thực hiện các thủ tục ban hành trong thời gian tới.

2. Về nội dung giảm phí hoặc hỗ trợ kinh phí đăng kiểm lần đầu: Giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa được quy định tại Thông tư số 237/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở đề xuất Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư trên.

Nguồn: Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)