Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh: công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ ở một số địa phương còn hạn chế, không đảm bảo hành lang đường bộ, một số khu vực còn bị người dân xây dựng, lấn chiếm. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp khắc phục, đảm bảo thực hiện đúng quy định.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Phước nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri đối với trách nhiệm xử lý lấn chiếm hành an toàn đường bộ, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Sau khi Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành, Khu Quản lý đường bộ IV (Cơ quan quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) không được quy định là Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nên qua phối hợp cùng các cơ quan trong công tác kiểm tra, Khu Quản lý đường bộ IV đã lập biên bản các vi phạm và gửi đến UBND cấp huyện để xử lý, đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cấp phối hợp, tiếp nhận hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Để xử lý tốt tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan quản lý đường bộ nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm nhằm phát hiện vi phạm (nếu có) và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của địa phương trong quản lý hành lang an toàn đường bộ và tổ chức xử lý theo thẩm quyền.
Theo quy định của pháp luật, UBND các cấp có trách nhiệm:
UBND cấp tỉnh: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương, chỉ đạo và kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.
UBND cấp huyện: Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải toả hành lang an toàn đường bộ.
Trong thời gian tới, để ngăn chặn, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Bình Phước, Bộ GTVT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước có ý kiến với UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tiếp nhận hồ sơ, báo cáo của Cơ quan quản lý đường bộ để xử lý nghiêm các vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với vấn đề được cử tri quan tâm kiến nghị. Bộ GTVT trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.