Ô nhiễm không khí từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối tại TPHCM. Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm này. Thế nhưng, những bất cập trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường cộng với hạ tầng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra xử lý trường hợp vi phạm còn thiếu thốn, khiến cho việc xử lý còn nhiều hạn chế.
3 tác nhân gây ô nhiễm không khí
Ba nguyên nhân được xác định gây nên những tác động xấu đến chất lượng môi trường không khí của thành phố là khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, sản xuất và xây dựng. Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại 12 khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho thấy có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) có nồng độ ô nhiễm không khí tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: KCN Cát Lái, KCX Linh Trung 1, KCX Linh Trung 2, KCN Tân Bình, KCN Tân Tạo và KCN Tây Bắc Củ Chi. 5/12 KCN-KCX có lượng bụi PM10 vượt quy chuẩn cho phép.
Các phương tiện giao thông thải ra một lượng lớn khí thải độc hại đối với môi trường. (Ảnh: Phạm Cao Minh)
Nặng nề hơn là tình trạng ô nhiễm không khí do giao thông. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm khí thải đo được đều vượt quy chuẩn. Cụ thể, tổng lượng bụi lơ lửng vượt từ 1,1 - 2,47 lần. Cao nhất tại An Sương giá trị trung bình là 0,61 mg/m3. Tiếp đó là vòng xoay Phú Lâm, Hàng Xanh, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát. Những địa điểm trên cũng đang là điểm nóng với thực trạng ô nhiễm các chất CO, NO2 và chì.
Điều đáng nói là sự gia tăng nhanh chóng phương tiện giao thông còn gây nên tình trạng ô nhiễm quá mức tiếng ồn. PGS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, TPHCM là một trong những thành phố ồn ào nhất thế giới.
Mức ồn tại các vị trí đo trong khu dân cư, trục đường phố chính… đều ở mức cao, đa số cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Cao nhất ở vị trí An Sương (77 - 83dBA), giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (76 - 82), tiếp đó là ngã sáu Gò Vấp, Hàng Xanh, giao lộ Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát (75 - 80dBA), cuối cùng là Phú Lâm (74 - 79 dBA).
Riêng lượng khí thải ô nhiễm phát sinh từ hoạt động xây dựng thì chủ yếu là bụi. Và trong thời gian gần đây, khi một số đại công trường lớn của thành phố đã được hoàn thành thì nồng độ bụi từ hoạt động này đã giảm đáng kể so với những năm trước.
Quá thủ công trong công tác kiểm tra
Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với vấn đề ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải, từ năm 2005, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thế nhưng công tác hậu kiểm lại gần như khó thực hiện được. Rất ít phương tiện đang tham gia giao thông bị kiểm tra và xử lý nếu vi phạm quy định, dù cho trên cả nước đã xây dựng 105 trạm đăng kiểm định ô tô và Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC).
Còn theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, việc kiểm tra tiêu chuẩn xả thải của các phương tiện giao thông khá dễ nhưng còn chưa thực hiện được thì kiểm tra khí thải của các doanh nghiệp càng khó hơn rất nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp thường xuyên vi phạm xả khí thải ô nhiễm thường chọn những thời điểm xả khí thải ồ ạt vào ban đêm. Đây là thời điểm mà bằng mắt thường rất khó nhận ra doanh nghiệp đang xả thải. Hơn nữa, khói thải đen chưa chắc ô nhiễm bằng khói thải trắng.
Mặt khác, ngay cả khi đi kiểm tra hoạt động doanh nghiệp vào giờ hành chính cũng rất khó xác định hành vi vi phạm khí thải của doanh nghiệp.
Một thực tế khác, hiện những trung tâm quan trắc khí thải tự động của thành phố đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục, nâng cấp. Dự án xây dựng trung tâm quan trắc mới đã được thành phố phê duyệt chủ trương nhưng vẫn chưa được xây dựng. Do vậy, việc kiểm soát phụ thuộc vào một số kết quả quan trắc thủ công nên kết quả cũng không đáng tin cậy. Từ đó, khó để có thể đề ra giải pháp hiệu quả nhằm thay đổi hiện trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng tại thành phố.
Phát huy vai trò của cộng đồng
Để có thể cải thiện thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, theo PGS Nguyễn Đinh Tuấn, vấn đề quan trọng trước tiên là phải hoàn thiện trang thiết bị hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Hệ thống này phải đảm bảo yêu cầu quan trắc tự động 24/24. Có như vậy mới tạo nguồn dữ liệu tin cậy đủ để xác định quy luật của hiện trạng ô nhiễm không khí. Từ đó, xác định nguyên nhân, nguồn thải và giải pháp để khống chế nguồn thải gây ô nhiễm này.
Bên cạnh đó, theo GS Nguyễn Văn Phước, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường bởi chính họ cũng trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí nhưng cũng là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả của ô nhiễm không khí. Do vậy, cần phải đưa cộng đồng tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý môi trường, tham gia trong các công đoạn của công tác quản lý từ khâu bàn bạc ban đầu đến việc lên kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động và đánh giá sau khi thực hiện.
Công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn chính gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng có nhận thức đúng về ô nhiễm không khí và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường không khí; xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường không khí; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng môi trường không khí xung quanh đối với sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng của nó tới chất lượng sống.
Nguồn: ashui.com