Thiết bị chắn đường ngang trong đề tài này được hiểu là thiết bị chắn đường bộ tại vị trí đường ngang phòng vệ có người gác. Thiết bị chắn đường hiện tại trong phạm vi quản lý của Tổng công ty ĐSVN chủ yếu là cần chắn và dàn chắn hay dàn chắn lồng. Từ những nhược điểm của các loại thiết bị chắn đường hiện tại đã bộc lộ trong quá trình sản xuất, lắp đặt, sử dụng, Công ty QLĐS Hà Lạng đã nghiên cứu và tiến hành sản xuất lắp đặt thử nghiệm cần chắn rút trên địa bàn quản lý của công ty (tháng 2 năm 2008 lắp tại đường ngang Km 16+759 tuyến ĐS Hà Nội - Đồng Đăng khẩu độ chắn đường ngang L = 10m; tháng 11-2008 lắp tại đường ngang Km 51+800 tuyến ĐS Hà Nội - Đồng Đăng khẩu độ chắn đường ngang L =12m). Kết quả cho thấy: cần chắn rút có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại thiết bị chắn đường hiện tại.
Cần chắn rút có cấu tạo gồm bộ phận chắn đường, bộ phận dẫn hướng và bộ phận đón giữ bộ phận chắn đường. Thiết kế tối ưu các chi tiết của tất cả những bộ phận trên thành các modul để thuận tiện cho việc sản xuất, lắp đặt, bảo trì, thay thế. Bộ phận chắn đường: Là bộ phận gồm ống thép chắn đường chính (thiết kế dùng loại thép ống thép Ø = 90mm) được tăng cường bằng dàn thép hàn liền phía trên (dùng thép ống Ø = 22mm), chạy suốt hai bên và phía dưới của ống thép chắn đường hàn thêm thanh thép vuông kích thước 10x10mm để bảo vệ ống thép chắn đường chính và giảm ma sát giữa bộ phận chắn đường và bộ phận dẫn hướng. Bộ phận chắn đường chạy trong bộ phận dẫn hướng trên các hệ con lăn thép và cụm bánh cao su được gắn phía đầu bộ phận chắn đường thông qua các thanh liên kết đứng. Phía cuối bộ phận chắn đường bố trí hệ con lăn bằng vòng bi chạy trên hai cánh của hai thanh thép chữ U (là bộ phận chính của hệ thống dẫn hướng) và hệ thống vòng bi giữ ổn định khi cả bộ phận chắn đường di chuyển trong hệ thống dẫn hướng.
Bộ phận dẫn hướng: gồm hai thanh thép chữ U được liên kết úp hai phần cạnh với nhau tạo thành lòng hộp để bộ phận chắn đường chạy trong đó. Trên hệ 2 thanh thép chữ U này có đặt các con lăn bằng thép nhằm dẫn hướng và giảm ma sát giữa bộ phận "dẫn hướng" và bộ phận "chắn đường". Bộ phận dẫn hướng được đặt trên hệ cột đỡ được liên kết với hệ hai thanh U bằng những tấm bản mã và bu lông.
Bộ phận đón giữ bộ phận chắn đường có nhiệm vụ đón và giữ ổn định khi bộ phận chắn đường đã hoàn thành hành trình và chắn kín khẩu độ chắn đường. Bộ phận này gồm hai cột ray chôn cạnh nhau có khe hở, móc khóa để đầu bộ phận chắn đường gửi và móc khóa vào đó. Khẩu độ chắn đường lớn, tương đương với dàn chắn lồng. So với cần chắn, cần chắn rút không chiếm dụng không gian như cần chắn. So với dàn chắn, cần chắn rút có diện tích mặt bằng sử dụng ít hơn, chi phí sản xuất lắp đặt thấp hơn, quá trình duy tu bảo dưỡng thuận lợi hơn, chi phí duy tu giảm. Quá trình vận hành sử dụng cần chắn rút nhẹ nhàng và thuận lợi, tuổi thọ cao hơn cần chắn và dàn chắn. Bộ phận dẫn hướng của cần chắn rút thay thế một phần hàng rào cứng tại đường ngang (giảm giá thành xây lắp đường ngang). Tuy nhiên cần chắn rút cũng còn một số nhược điểm, đó là: Với khẩu độ chắn đường ≥ 12m, khi rút cần chắn ra hết khẩu độ có hiện tượng rung, võng bộ phận chắn đường. Tuy nhiên không giống như dàn chắn, trong thời gian không làm việc bộ phận chắn đường nằm trong hệ thống dẫn hướng được kê gối lên các con lăn thép nên không có hiện tượng võng theo thời gian như dàn chắn. Khẩu độ chắn đường sử dụng cho cần chắn rút chỉ nên < 12m.
Với ưu điểm tiết kiệm được chi phí, không chiếm dụng không gian trong phạm vi đường ngang, có thể lắp đặt được tại những vị trí chật hẹp, đặc biệt thuận tiện trong việc vận hành nên loại thiết bị chắn đường này rất phù hợp lắp đặt tại các đường ngang trong đô thị, những nơi khống chế về tĩnh không. Về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, cần chắn rút có chi phí sản xuất thấp hơn so với dàn chắn. Tổng mức chi phí để sản xuất, lắp đặt cần chắn rút cho một mét dài tính tại thời điểm tháng 11-2008 là 1.684.000 đồng, còn với dàn chắn là 2.913.000 đồng. Như vậy, nếu lựa chọn sản xuất, lắp đặt cần chắn rút thay cho việc lựa chọn sản xuất, lắp đặt dàn chắn thì mỗi mét dài sản xuất, lắp đặt sẽ tiết kiệm được 1.229.000 đồng; nếu triển khai trên toàn ngành ĐS thì hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn, đặc biệt kinh phí cho duy tu, bảo trì nhỏ và tuổi thọ của thiết bị cao. Về mặt kỹ thuật, cần chắn rút cơ bản khắc phục được các nhược điểm của thiết bị chắn đường hiện tại; đảm bảo thuận lợi cho nhân viên trong quá trình sử dụng, an toàn giao thông trong khi vận hành, góp phần giảm tai nạn giao thông xảy ra tại các đường ngang. Do có tính khả thi cao, tiết kiệm chi phí, dễ vận hành, an toàn..., đề tài "Nghiên cứu, sản xuất, lắp đặt cần chắn rút" của Công ty QLĐS Hà Lạng đã đạt giải 3 Giải thưởng sáng tạo ĐSVN năm 2008.
DSO