Công ty CP Công nghệ Việt Séc (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) vừa mới “trình làng” mẫu sản phẩm ca nô sản xuất bằng công nghệ và vật liệu mới – vật liệu tổng hợp PPC (polypropylen copolymer) đến từ châu Âu. Sự ra đời của công nghệ này đã mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam và đặc biệt là cơ hội mới cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển và nền công nghiệp xanh thân thiện với môi trường.
Sau hai tháng gấp rút thi công, tháng 6-2012, nhà máy đóng tàu của Công ty CP Công nghệ Việt Séc đã hoàn thành và cho ra đời các mẫu sản phẩm đầu tiên để giới thiệu với khách hàng. Ngày 10-6 vừa qua, chiếc ca nô cao tốc đầu tiên cho nhà máy sản xuất đã được hạ thủy. Vừa mới nổ máy, chiếc ca nô đã xé nước lướt như bay trên mặt nước sông Dinh với tốc độ hơn 100 km/giờ. Sau mấy vòng dạo quanh khu vực nuôi cá lồng bè, từ trên ca nô bước xuống, chị Trần Thị Anh Thư, một khách hàng đi thử ca nô tươi cười: “Thật tuyệt vời!”. Niềm vui như vỡ òa trên những gương mặt hồ hởi của cán bộ, công nhân kỹ thuật Công ty CP Công nghệ Việt Séc.
Anh Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc, cho biết, anh đã “phải lòng” công nghệ đóng tàu này ngay từ khi mới được các chuyên gia nước ngoài giới thiệu. Ước mơ về những chuyến tàu du lịch sang trọng và an toàn chở du khách tham quan phong cảnh sông nước, các bãi biển đẹp đã khiến anh, một doanh nhân hầu như chưa am hiểu gì về nghề đóng tàu, đã mạnh dạn liên kết với Công ty OFF-SEA (Cộng hòa Séc) để xây dựng Nhà máy đóng tàu bằng loại vật liệu mới này. Giai đoạn đầu nhà máy có công suất 10 chiếc tàu/tháng, sử dụng 20 lao động. Hiện tại, anh chỉ mới sản xuất thử nghiệm một số loại ca nô du lịch, ca nô tốc độ cao phục vụ cho các lực lượng chức năng như: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm ngư và sắp tới sẽ là các loại du thuyền gia đình, du thuyền lớn phục vụ khách du lịch và các loại tàu thuyền chở khách, chở hàng hóa...
Với việc ứng dụng công nghệ hàn nhiệt, vật liệu tổng hợp PPC có thể đóng các loại tàu thuyền vận tải hành khách với sức chứa từ 10 - 200 hành khách và hàng hóa từ 2- 10 tấn; các loại tàu thuyền chuyên dùng cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu trên sông, hồ và vùng ven biển. PPC cũng có thể dùng để chế tạo nhà nổi, bến nổi trên sông, cầu cảng và bến du thuyền. Bước đầu Công ty nhắm đến thị trường trong tỉnh và trong nước, tương lai sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong nghề cơ khí hàng hải, các nhà máy thường sử dụng các loại vật liệu truyền thống để đóng tàu như: Gỗ, sắt thép, hợp kim nhôm, composite... Tuy nhiên, tất cả đều không có được những ưu điểm như vật liệu tổng hợp PPC: Không gỉ, không có loài thủy sinh nào bám vào dưới đáy và thân tàu do vậy không tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng tàu và không gây ô nhiễm môi trường; Kháng thủy lực và tiết kiệm nhiên liệu; Chịu được va đập mạnh; Tuổi thọ cao, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt từ âm 350C đến 800C, có tính cách nhiệt và cách âm tốt... Điều thú vị nhất là trong quá trình sản xuất và gia công PPC không sử dụng chất độc hại cho người và môi trường. “Vật liệu PPC sau nhiều năm sử dụng sẽ được tái chế 100%” - anh Vũ Văn Đảo cho biết.
Ông Phạm Ngọc Hòe, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Biển Đông, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí hàng hải khẳng định, việc ứng dụng thành công công nghệ đóng tàu bằng vật liệu tổng hợp PPC sẽ làm thay đổi nền công nghiệp đóng tàu trong nước. Trong thời gian tới, Công ty cần nghiên cứu cho ra đời nhiều sản phẩm sử dụng vật liệu PPC với tính năng đa dạng, giá thành hợp lý nhằm phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho đến nay, trên thế giới chưa có tiền lệ chế tạo tàu đánh cá bằng vật liệu PPC; chính vì vậy công ty nên ưu tiên nghiên cứu về khả năng dùng vật liệu này vào việc đóng tàu cá, nhất là tàu đánh cá xa bờ. Những nội dung nghiên cứu trước hết là sức bền vật liệu, sự phù hợp của vật liệu đối với tính năng và đặc điểm hoạt động của tàu cá, giá thành của sản phẩm… Hiện nay, phần lớn tàu cá hoạt động xa bờ trong nước được đóng bằng gỗ, hoặc sắt theo phương pháp truyền thống, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn và kỹ thuật theo hướng phát triển nghề cá hiện đại. Vì vậy, việc trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại cho tàu cá đang gặp nhiều khó khăn. Nếu trên thị trường có loại tàu sử dụng vật liệu mới như PPC đáp ứng được yêu cầu, giá cả hợp lý, thì đây sẽ là hướng đi mới cho nghề cá của BR-VT nói riêng và cả nước nói chung.
Theo BR-VT