Trắng đêm gác đường tàu
Công việc của những nữ công nhân gác chắn đường tàu diễn ra đều đặn suốt hàng ngày, hàng giờ. Do đặc thù công việc, mỗi công nhân gác phải làm việc theo ban, mỗi ban làm việc kéo dài đến 12 giờ đồng hồ, cứ làm việc được 12 giờ thì được nghỉ 24 giờ. Khi chiếc điện thoại đặt trên bàn đổ chuông, ngay lập tức tất cả phải tập trung ra trước đường tàu. Công việc cứ thế tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, bao gồm: trực điện thoại, ghi chép lịch trình của tàu, xác định thời gian tàu chạy qua và kéo rào chắn để đảm bảo tàu được lưu thông an toàn, người có ca trực không được rời bỏ nhiệm vụ. Chính vì thế, các chị phải tập trung làm việc ở mọi thời điểm, thậm chí trắng đêm.
Chị Ngân kéo và canh gác chắn khi tàu sắp sửa chạy qua
Có mặt tại gác chắn Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chị Cảnh, công nhân Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết : “Cái nghề của mình nói sâu xa là “giữ tính mạng cho người khác”, chỉ cần một phút sơ sảy sẽ để lại hậu quả khó lường.”. Một ca trực thường có tầm 10-15 chuyến, nhưng cũng có những ca trực lên tới 20-25 chuyến, đặc biệt vào dịp Lễ tết, việc ăn một bát cơm đôi khi cũng không trọn vẹn.
Cẩn trọng là thế nhưng các chị cũng không tránh khỏi những tình huống “thót tim”. Nhiều người dân bất chấp tín hiệu chuông và đèn cảnh báo, cứ nằng nặc đòi vượt rào chắn. Có người sẵn sàng nói lời khó nghe với đội ngũ công nhân tại gác chắn, thậm chí còn đòi dùng vũ lực. “Mình cẩn thận mà ý thức giao thông của một số người dân còn quá kém, đôi lúc rất bực mình nhưng đành thở dài thôi.” - Chị Hương, công nhân tại chốt đường ngang Tôn Đản – Trường Chinh (Km 794+700) tâm sự.
Chị Cảnh cầm đèn đứng sau gác chắn.
Nhưng nỗi lo lắng của các chị không chỉ nằm ở đó, công việc gác đường tàu với nam giới đã là cực nhọc, huống gì với phái nữ “chân yếu tay mềm”. Nhiều chị em gác tàu đêm đã gặp phải không ít tình huống khó xử từ những “bợm nhậu” phóng xe quá tốc độ, các thanh niên tụ tập hút chích, những thành phần “biến thái”, ăn cắp, ăn trộm... Thậm chí nhiều đối tượng quá khích sẵn sàng đe dọa đập phá và hành hung các công nhân gác tàu.
Đáng ngại hơn cả là những vụ tai nạn giao thông không lường trước. Ngay ở khu vực trạm gác Nguyễn Sinh Sắc, vào tháng 4/2014 đã xảy ra một vụ va chạm giữa xe máy và xe taxi ngay khi gác chắn vừa được đóng. Xe taxi bị bẹp dúm, người điều khiển xe máy bị thương nặng. Nhắc lại vụ tai nạn đó, chị Ngân – cùng ban trực với chị Cảnh - không khỏi bàng hoàng: “Tai nạn xảy ra khi gác chắn vừa đóng kịp thời, nếu hai xe va chạm mạnh chút nữa thì đã xảy ra hậu quả kinh hoàng hơn rất nhiều. Nhiều người đi đường cứ tranh thủ lúc gác chắn chưa đóng là phóng qua rất nguy hiểm, chúng tôi rất sợ. Nhỡ có chuyện gì thì mình cũng gánh một phần trách nhiệm”.
Trước đó một năm, vào tháng 6/2013 cũng có một vụ tai nạn nghiêm trọng do xe máy đâm vào gác chắn, khiến người điều khiển xe bị thương nặng còn người ngồi sau xe tử vong tại chỗ. Đó là những ám ảnh khó có thể quên trong cuộc đời làm nghề.
Gắn cuộc đời với nghề
Đã theo nghề là xác định hy sinh một phần cuộc sống vì công việc. Đó là tâm sự chung của những nữ công nhân gác chắn đường tàu. Có những người còn rất trẻ, tuổi chỉ dưới 30. Có người đã có gia đình, có người còn độc thân nhưng tất cả cùng chung một “cái phận” với nghề. Chị Ngân vì quá bận rộn đã phải gửi con cho người quen chăm sóc, hai vợ chồng chị Cảnh cùng theo nghề thì hầu như không có thời gian trọn vẹn bên con.
Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến tàu chạy qua.
Để chống lại những cơn buồn ngủ và hoàn thành ca trực, các chị đã quá quen với việc trắng đêm bên ly cà phê đen và những ấm trà đậm đặc. Những dịp Lễ tết, áp lực công việc tăng gấp nhiều lần, các chị dành những ngày đầu xuân bên gác chắn. Có những chị em đã nhiều cái Tết chưa một lần về quê, nôn nao nhìn những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam để rồi tự an ủi bản thân, mong một ngày được đón Tết ở quê nhà.
Một công nhân tại trạm gác tàu trên đường Dũng sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với những nữ công nhân gác tàu đêm lại bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại đổ dồn – Âm thanh báo hiệu sắp có tàu đi qua. Các chị lại tất tả chạy ra thi hành nhiệm vụ. Mỗi một chuyến tàu đi qua an toàn, các chị lại thở phào nhẹ nhõm. Sự an toàn của hàng nghìn con người chính là điều mà các chị luôn động viên nhau để vượt qua khó khăn.
Với các chị, được góp phần vào lộ trình của những chuyến tàu bình yên đã là một niềm vui to lớn lắm rồi.