18 tuổi có thể lái tất cả loại xe
Gần tuổi thất thập nhưng “cô gái lái xe trên cảng” năm nào nay vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, minh mẫn. Nhớ lại chuyện gần 50 trước ánh mắt ngời lên niềm tự hào, cô chậm rãi kể. Sinh ra tại Thái Lan (bố mẹ đều là người Việt), nhưng đến năm 1960 nghe theo tiếng gọi của đất nước, cô cùng gia đình chuyển về quê hương. Năm 1966, Vũ Thị Ngọc chưa đủ 18 tuổi và chỉ tròm trèm 40 kg xin đi học lái xe tại trường lái xe công nhân kỹ thuật Cảng. Ngày nộp hồ sơ, người tuyển dụng có ý không hài lòng, bảo: Cháu là phụ nữ. Lại nhỏ người không hợp với nghề lái xe. Thấy vậy, cô liền đáp: cháu học lái xe là để anh em nam giới có thể yên tâm vào chiến trường chiến đấu. Khẩu khí lớn, cô khiến người tiếp nhận hồ sơ gật đầu đồng ý. Là phụ nữ học lái xe nhưng thành tích học tập của cô “ăn đứt” mấy anh nam giới. Đến khi ra trường cô được cấp bằng Đại xa (bằng có thể lái được tất cả loại xe).
Với thành tích học tập vượt trội, tháng 8 -1966, cô được nhận về làm tại đội cơ giới Cảng Hải Phòng (là cô gái duy nhất của đội). Tại đội, cô luôn làm việc với tinh thần “một người làm việc bằng hai”. Làm việc liên tục 2,3 ca/ ngày là điều hết sức bình thường với cô công nhân lái xe Vũ Thị Ngọc ngày ấy. Không chỉ lái xe vận chuyển hàng trong cảng, với “tay lái lụa” cô được lãnh đạo cảng tin tưởng giao cầm lái chở nhiều chuyến hàng đi các huyện khắp thành phố. Nhiều chuyến hàng viện trợ với đủ chủng loại từ các nước giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ đều được cô vận chuyển đến các điểm tiếp nhận an toàn. Không chỉ lái xe an toàn, cô luôn là người ẵm giải trong các cuộc thi lái xe giỏi, giữ xe sạch do cảng phát động.
Năm 1967, đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, trong đó, Hải Phòng là một trọng điểm đánh phá ác liệt. Cô Ngọc xung phong tham gia đội tự vệ chiến đấu bắn máy bay Mỹ đánh phá, bảo vệ cảng. Đơn vị có nhiệm vụ hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ đội và các đơn vị bạn, cơ động chiến đấu bảo vệ những chuyến tàu ra vào cảng. Linh hoạt, sáng tạo trong cách đánh máy bay địch, cô được cử hướng dẫn cách đánh máy bay Mỹ tại khu vực núi Phi Liệt (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) cho các đơn vị du kích. Trên trận địa pháo, cô Ngọc tiếp tục lập công khi cùng anh em trong đội đuổi được nhiều tốp máy bay địch, bảo đảm an toàn trận địa, các chuyến tàu và hàng ra vào cảng. Với thành tích trong lao động, chiến đấu cô được kết nạp Đảng khi vừa 18 tuổi. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, cô công nhân lái xe Vũ Thị Ngọc được Bác Hồ viết thư tay khen ngợi và tặng Huy hiệu Bác Hồ vào tháng 12 -1967. Sau gần 50 năm, bức thư ngả màu, nhưng cô nhớ như in nội dung bức thư: “Thân gửi cháu Vũ Thị Ngọc. Qua xem báo Quân đội nhân dân được biết thành tích trong sản xuất và chiến đấu của cháu, Bác rất cảm động….Bác mong cháu phát huy, giành được nhiều thành tích cao hơn nữa”.
Không phụ lòng tin yêu của Bác Hồ, cô công nhân trẻ tiếp tục giành nhiều thành tích trong lao động, chiến đấu. Năm 1968, vừa tròn 20 tuổi, cô được Đảng, Nhà nước cử đi dự hội nghị vận động các nước tẩy chay không cho tàu chiến Mỹ cập bến cảng nhận vũ khí đưa vào miền Nam Việt Nam” tại thành phố Mác – xây (nước Pháp).
Trở về từ hội nghị, cô Ngọc được cử đi học các lớp nâng cao trình độ và tiếp tục gắn bó với Cảng Hải Phòng. Năm 1989, cô được thành phố điều động về công tác tại Liên đoàn Lao động thành phố và có thời gian giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố.
Có thể là “nhân vật” trong bài hát “Bến cảng quê hương tôi”
Nói về những ca từ trong bài hát Bến cảng quê hương tôi do nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác, nhiều ý kiến cho rằng, hình tượng cô gái trong ca từ: “Ơi cô gái lái xe trên cảng. Xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương…” chính là hình ảnh của cô công nhân Vũ Thị Ngọc năm nào. Vì có thông tin, nhạc sĩ Hồ Bắc khi ấy đã dựa vào một nguyên mẫu có thật, một nữ công nhân trẻ trung xinh xắn của Cảng Hải Phòng những năm đánh Mỹ học lái xe bốc xếp hàng hóa, thay cho những công nhân nam giới lên đường vào Nam chiến đấu.
“Tôi không dám khẳng định hình tượng cô công nhân lái xe trên cảng trong bài hát được xây dựng trực tiếp từ tôi. Nhưng, ngày đó lái xe trên cảng chủ yếu là nam giới, phụ nữ lái xe gần như “của hiếm”. Không khẳng định, nhưng cô cho biết, “cũng rất có thể đó là tôi”. Vì thời điểm năm 1970, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác bài hát “Bến cảng quê hương tôi” cũng là thời điểm cô Ngọc gắn bó với công việc lái xe và cũng khá “nổi tiếng” vì có nhiều thành tích trong lao động, chiến đấu. Không những vậy, mái tóc của tôi ngày đó dài ngang vai hay thả tự do... “Nói vậy, nhưng chắc gì đã phải”. Cô Ngọc tủm tỉm cười.
Nói về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Bến cảng quê hương tôi”, nhạc sĩ Hồ Bắc từng chia sẻ, “để dựng được bài hát, tôi cần có một hình ảnh đẹp để gợi cảm xúc thực sự cho người nghe. Rồi một buổi chiều, lang thang trên cầu cảng, tôi bất chợt nhìn thấy cô thanh niên đang đội chiếc mũ nhựa tròn của công nhân. Mũ nhựa, giày vải, áo công nhân bạc màu nhưng mái tóc vẫn xõa dài dưới vành mũ và bồng bềnh cuộn lên theo từng cơn gió biển. Vẻ đẹp mềm mại và nữ tính ấy lập tức đi vào tâm trí tôi, như chiếc chìa khóa để mở ra cảm hứng sáng tác...”.
Ngay lần biểu diễn đầu tiên, “Bến cảng quê hương tôi” được những người công nhân Cảng Hải Phòng đón nhận đầy hứng khởi. Rất nhanh, chỉ trong vài ngày, những câu hát ấy liên tục ngân nga trên đôi môi của những người lao động, những công dân thành phố Cảng và lan đi đến với mọi miền Tổ quốc. Và qua những ca từ bài hát, nhiều người dù chưa tới thành phố Hải Phòng thêm yêu, thêm quý thành phố Cảng.