Chị Châm đang nghe hiệu lệnh để đón các chuyến tàu.
Kể về công việc của mình, chị Châm cho biết, nhiệm vụ của những người gác chắn đường ngang như chị là đón những chuyến tàu vào ga và đảm bảo sự an toàn cho những phương tiện trên đường bộ. Công việc tưởng như đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp. Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu hết nỗi vất vả mà hàng ngày những người công nhân nơi đây phải chịu đựng.
Chòi gác của chị Châm là đường ngang cấp ba trên tuyến Hà Nội - Lào Cai (trạm gác đường ngang Km 176 + 150 thuộc sự quản lý của Công ty đường sắt Yên Lào - Yên Bái) nên ít người làm hơn các khu vực khác. Cả chòi có 4 người, điều đặc biệt tất cả đều là phụ nữ...Họ là những người dưới xuôi lên đây công tác, gắn bó với nghề rồi ở lại định cư luôn. Chị Châm quê xa nhất, tận Nam Định. Với người công nhân ấy mảnh đất vùng cao này đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Câu chuyện đang liền mạch, bỗng nhiên bị gián đoạn bởi âm thanh inh ỏi của chiếc chuông điện thoại báo tàu. Chị Châm vừa chăm chú nghe, vừa ghi chép lại một cách cẩn thận. Xong đâu đấy, quay sang tôi chị cười và bảo: “Giờ tàu ngược Lào Cai, tớ làm nhiệm vụ đã nhé”. Nói rồi, người phụ nữ ấy nhanh nhẹn tháo bảng đỏ, kéo giàn chắn, hiệu lệnh cho các phương tiện đường bộ dừng lại. Mỗi lần đón tàu kéo dài khoảng 15 đến 20 phút. Đoạn đường bỗng trở náo động hẳn lên bởi hàng loạt các âm thanh va đập vào nhau. Tiếng máy nổ phình phịch, tiếng phanh xe kít, tiếng khò khè nhả khói của chiếc công nông như phải có thâm niên hàng trăm tuổi...Không giống với các công việc khác, người gác chắn đường ngang không có ngày nghỉ. Một ca trực bao gồm 8 tiếng. Bất kể ngày hay đêm, họ đều phải thức trắng để làm việc. Dù là đọc sách báo hay nghe điện thoại di động cũng đều bị nghiêm cấm. Chị Châm tâm sự: “Ngày mới vào nghề, nơi đây vắng người lắm, toàn rừng núi...buồn chỉ biết vừa làm vừa khóc. Bây giờ quen rồi, không đi làm lại thấy buồn chân, buồn tay”. Hơn 25 năm gắn bó với nghề, cũng là ngần ấy thời gian chị Châm chưa được đón một cái Tết trọn vẹn. Có năm phải đón giao thừa ngay ở chòi gác, năm may mắn hơn thì ca trực vào mùng 2, mùng 3 Tết. Với chị, Tết chẳng khác ngày thường là mấy. Chỉ khác điều, trong những ngày đầu năm những chuyến tàu tăng cường nhiều hơn và vì thế cái bóng nhỏ bé của chị lại nhiều lần phải tất bật đổ bóng xuống đường.
Hơn 25 năm gắn bó với nghề gác chắn, chị Châm đã quen với công việc này.
Hiểm nguy rình rập Trong cái nhập nhoạng của bóng chiều, khác hẳn với âm thanh ồn áo lúc tàu đến, không gian lúc này tĩnh lặng đến mức nghe thấy từng tiếng muỗi vo ve, đập cánh...Những gò chè gối lên nhau trong đêm tối chỉ trông thấy những vệt đen không rõ rệt. Chị Châm kể, chòi gác ban đêm lúc nào cũng phải cài cửa cẩn thận chỉ khi nào có tàu mới dám mở ra để đóng chắn. Thỉnh thoảng, nơi đây vẫn là địa điểm lý tưởng cho bọn nghiện “dừng chân” chích hút. Không những thế, các chị vẫn bị kẻ xấu thường xuyên tròng ghẹo trêu trọc. Nửa đời người gắn bó với nghề, chị Châm gặp không ít những tình huống “rợn người”. Lần thì chiếc xe máy trở miến quá tầm nhìn nên tông thẳng qua móc chắn rồi đổ kềnh xuống đường ray. May mà chị và những người xung quanh kịp “thu dọn xong xuôi” trước khi tàu đến. Lần thì chiếc ô tô mất phanh suýt đâm vào chị...Gần đây nhất, vì kiên quyết không mở chắn khi có hiệu lệnh đóng tàu mà chị đã bị một kẻ say rượu “hành hung”...Hậu quả, chị Châm phải nghỉ mất 5 ngày. Nhiều người có ý thức thì hiểu và thông cảm cho các chị nhưng có những người phải chờ tàu vài ba phút là bắt đầu chửi bới, văng tục...Mỗi lần như thế, các chị lại phải lựa lời mềm mỏng để thuyết phục. Bụi bặm và nắng gió, cứ mỗi lần giở giời là người chị Châm lại run lên vì bệnh lao phổi và rối loạn nội tiết. Cái dáng bé nhỏ ấy càng trở nên tội nghiệp. Buồn nhất là có những năm, cả hai vợ chồng chị Châm đều trực vào đúng đêm giao thừa. Nhìn dáng “đứa lớn” ngượng nghịu thắp những nén nhang cho mẫm cỗ tất niên mà chị khỏi động lòng. Có khi trong mấy ngày Tết, cả gia đình chẳng được ăn một bữa cơm đầy đủ các thành viên. Hôm thì anh phải trực ca sáng, hôm thì chị phải trực ca chiều...Thấy gia đình người ta sum họp đoàn tụ chị cũng chạnh lòng lắm nhưng đó đã là cái nghề mà chị tâm huyết, gắn bó mất rồi...
Cho những chuyến đi an toàn
Bao điều trăn trở Công việc vất vả là thế những mỗi ca trực lại chỉ được từ 60 đến 70 nghìn. Tháng nào thu nhập cao lắm cũng chưa đầy hai triệu bạc. Chồng chị Châm cũng là công nhân đường sắt nhưng anh thuộc bên tuần đường. Lương của anh vì thế cũng chẳng khá hơn là mấy. Hai vợ chồng phải tằn tiện chi tiêu lắm mới đủ tiền cho các con ăn học và chi tiêu các khoản sinh hoạt hàng ngày. Thế nên, xuống ban một cái là chị tranh thủ đi chẻ quế, nhặt chè thuê để kiếm thêm đồng ra đồng vào...Vất vả nhưng được cái con chị đứa nào cũng biết thương bố mẹ nên học rất giỏi. Đứa lớn đã vào đại học còn đứa bé cũng đang học ở một trường điểm của tỉnh. Đã bốn năm nay, mải cuốn mình hành trình xuôi ngược của những chuyến tàu mà chưa một lần chị được về quê ăn Tết. Ông bà đã ngoài 70, mẹ chị còn bị mắc bệnh khớp lúc nào cũng gọi điện giục con gái cho các cháu về chơi...Lương thấp, có nghỉ phép cũng chẳng đủ tiền đi lại. Giọng người phụ nữ này như có cái gì nghèn nghẹn nơi cuống họng, mãi không trôi...
Tháng ba, cái nắng đầu hè tắt sớm...Ánh sáng yếu ớt của chiếc chòi gác không đủ làm cho nơi đây bớt hiu quạnh. Giở chiếc cặp lồng cơm mang sẵn từ chiều, chị san cơm làm hai phần rồi vui vẻ mời tôi ăn. Bữa cơm đạm bạc toàn những món đặc trưng của núi rừng: một ít măng đắng và tôm rang mà sao bỗng thấy ấm lòng thế. Reng..reng! tiếng chuông báo tàu đến làm bữa cơm đành bỏ dở, cái dáng bé nhỏ lại tất bật kéo giàn chắn...nhanh nhẹn, thuần thục như được lập trình...Trên hành trình những chuyến tàu như thế, có biết bao nhiêu con người đang nóng lòng trở về bên gia đình. Và tôi tin rằng trong niềm vui sum họp ấy cũng thấp thoáng hình ảnh của những nữ công nhân gác chắn nơi mây mù Tây Bắc.
PV