Sóc Trăng sẽ làm chính phủ điện tử theo mô hình của Đà Nẵng
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện tại Sở TT&TT đang tiến hành xây dựng một khung kiến trúc của chính quyền điện tử, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Khung kiến trúc chính quyền điện tử sẽ là cơ sở để Sóc Trăng triển khai chính phủ điện tử trong giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Sóc Trăng đã thỏa thuận hợp tác với UBND TP Đà Nẵng để chuyển giao khung kiến trúc chính quyền điện tử cho Sóc Trăng, để triển khai chính phủ điện tử theo mô hình của Đà Nẵng.
Ông Quang cho biết thêm, với thiết kế của mô hình chính phủ điện tử này sẽ tích hợp tất cả các dịch vụ công của chính quyền điện tử ở địa phương từ cấp xã, huyện, tỉnh, tích hợp đầy đủ các dịch vụ, các chương trình ứng dụng trên đó, các phần mềm sẽ được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc của các sở, ban, ngành, tránh được tình trạng mỗi sở, ngành đầu tư một kiểu, dẫm chân lên nhau.
Mô hình chính quyền điện tử này tiết kiệm được chi phí chung và hoạt động sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Sở TT&TT sẽ là đơn vị quản lý hạ tầng chung, còn mỗi sở, ngành sẽ quản lý cơ sở dữ liệu của ngành mình. Hạ tầng kỹ thuật cho phép hỗ trợ, chia sẻ dữ liệu từ xã tới huyện, tỉnh và Trung ương.
Vào năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng lần đầu công bố kiến trúc tổng thể về ứng dụng CNTT của thành phố và bắt tay xây dựng hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Và Đà Nẵng quyết định chọn nền tảng mã nguồn mở để giải bài toán này.
Đà Nẵng đã được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, chuyển giao giải pháp nền tảng về chính quyền điện tử eGov Framework (được Hàn Quốc xây dựng trong 2 năm, tốn tới 13 triệu USD, năm 2010 đã giúp Hàn Quốc được Liên hợp quốc xếp hạng nhất thế giới về Chính phủ điện tử). Sau khi tổ chức đấu thầu quốc tế, với 1 đơn vị Hàn Quốc trúng thầu và thầu phụ là doanh nghiệp Việt Nam DTT, cùng với sự tư vấn của các chuyên gia ở Hoa Kỳ, Đà Nẵng đã phối hợp phát triển thêm nền tảng Chính phủ điện tử phù hợp với điều kiện địa phương trong suốt 2 năm. Chi phí bỏ ra khoảng 630.000 USD, ít hơn rất nhiều so với con số 13 triệu USD mà Hàn Quốc phải bỏ ra cho eGov Framework.
Đà Nẵng cùng DTT đã phát triển được nền tảng Chính phủ điện tử nguồn mở Open eGov Platform với nhiều lợi ích. Điển hình là cho phép các cơ quan, tổ chức tuần tự xây dựng các ứng dụng, có tính kế thừa ứng dụng cũ (ít nhất là về cơ sở dữ liệu), khắc phục hiện trạng ứng dụng sau loại bỏ hoặc xung đột với ứng dụng trước đó.
“Đà Nẵng sẵn sàng chuyển giao nền tảng Open eGov Platform để các địa phương khai thác, hợp tác với các nhà tư vấn và doanh nghiệp khác xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử phù hợp cho riêng mình. Chúng tôi sẽ chia sẻ giải pháp nền tảng ứng dụng, kinh nghiệm tổ chức, phối hợp trong quá trình xây dựng, triển khai nền tảng này. Chẳng hạn, theo kinh nghiệm đã từng trải qua, nếu không có sự phối hợp giữa Sở Nội vụ và Sở TT&TT thì thất bại là 51%. Hiện Sở TT&TT Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển giao nền tảng Open eGov Platform cho một số địa phương. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ miễn phí, hợp tác với các địa phương một cách không vụ lợi để phục vụ cộng đồng”, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT cho biết.
Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ TT&TT chủ trì, thành lập cộng đồng phát triển hệ thống thông tin chính quyền điện tử mở của Việt Nam, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp phần mềm nguồn mở mà còn có cả các doanh nghiệp lớn về cung cấp giải pháp CNTT nguồn đóng. Qua đó sẽ phát triển được công nghiệp phần mềm Việt Nam, khiến Việt Nam không quá lệ thuộc vào nước ngoài, tạo ra những giá trị mới cho sự phát triển CNTT-TT của nước nhà.
Việc Đà Nẵng chuyển giao miễn phí nền tảng chính phủ điện tử nêu trên không có nghĩa là các địa phương sẽ không tốn tiền đầu tư cho hệ thống chính quyền điện tử của mình nữa. Để có được chính quyền điện tử, các địa phương sẽ vẫn phải đầu tư cho các hoạt động như khảo sát, tư vấn và phối hợp với các doanh nghiệp CNTT phát triển giải pháp, ứng dụng phù hợp.