Hội nghị COP 21: Pháp huy động toàn bộ lực lượng nhằm đảm bảo an ninh

Thứ hai, 30/11/2015 10:18

Bất chấp loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra tại Paris ngày 13/11, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vẫn sẽ được tổ chức tại đây như dự kiến.

Tuy nhiên, thay vì bắt đầu vào ngày 30/11 theo kế hoạch, hội nghị sẽ bắt đầu công việc sớm hơn một ngày, tức là từ ngày 29/11 với các phiên thảo luận về những vấn đề kỹ thuật do các nhóm chuyên gia tiến hành nhằm tận dụng quỹ thời gian để sớm hoàn tất các cuộc đàm phán, cho phép các bên tham dự Hội nghị ký kết một thỏa thuận đầy tham vọng về khí hậu nhằm cứu Trái Đất khỏi các thảm họa thiên nhiên.

Lễ khai mạc chính thức vẫn sẽ diễn ra sáng 30/11 theo đúng kế hoạch với sự có mặt của 147 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng 196 đoàn đại biểu gồm 195 nước và Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, nước này đã triển khai gần 11.000 cảnh sát để bảo vệ Hội nghị COP21 trong đó 8.000 cảnh sát và hiến binh đã được điều tới các trạm kiểm soát biên giới, ngoài ra 2.800 nhân viên an ninh được triển khai tại khu vực trung tâm hội nghị ở Le Bourget, phía Bắc thủ đô Paris.

Trên toàn lãnh thổ, 120.000 cảnh sát, hiến binh và quân nhân sẽ được huy động, chương trình chống khủng bố Vigipirate được thực hiện ở mức cao nhất.

Hội[-]nghị[-]COP[-]21:[-]Pháp[-]huy[-]động[-]toàn[-]bộ[-]lực[-]lượng[-]nhằm[-]đảm[-]bảo[-]an[-]ninh

Pháp huy động toàn bộ lực lượng nhằm đảm bảo an ninh Hội nghị COP 21

Thực tế cho thấy sự hiện diện của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đặt ra yêu cầu an ninh phải được đảm bảo ở mức cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh nước Pháp đang trong “tình trạng khẩn cấp” sau loạt vụ tấn công khủng bố đêm 13/11 và hai nghi can được cho là đã tham gia các vụ tấn công khủng bố là Salah Abdeslam (Xa-la Áp-đe-xlam) và Mohamed Abrini (Mô-ha-mét A-bri-ni) vẫn đang lẩn trốn, các cuộc truy lùng vẫn đang được cảnh sát tiến hành một cách ráo riết tại Pháp và một số nước châu Âu.


Báo Le Monde ngày 28/11 trích thông báo của Bộ Nội vụ Pháp cho biết, kể từ khi Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 27/11, cảnh sát đã tiến hành 1.836 vụ khám xét, thu giữ 266 vũ khí các loại, yêu cầu 290 đối tượng không rời khỏi nơi cư trú và hàng ngày đều phải đến trình diện ở sở cảnh sát. Cũng trong khoảng thời gian đó, tại biên giới, cảnh sát đã từ chối không cho nhập cảnh khoảng 1.000 đối tượng được cho là đe dọa đối với an ninh Pháp. Theo bài báo, Pháp đã thông báo trước đó là khôi phục kiểm soát biên giới nội bộ trong không gian Schengen từ ngày 13/11 đến ngày 13/12 để đảm bảo an ninh cho hội nghị COP21. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã phát biểu trong một cuộc họp về an ninh mới đây tại Brussels (Bỉ) rằng Pháp sẽ vẫn tiếp tục công tác kiểm soát biên giới chừng nào mối đe dọa khủng bố còn hiện hữu.

Từ sáng sớm 29/11, Paris đã bắt đầu đón tiếp lãnh đạo cấp cao các nước cùng đoàn tùy tùng và các nhân viên an ninh. Công việc này khiến cho giao thông trên các tuyến đường từ hai sân bay ở Paris là Charles de Gaulle và Orly dẫn đến trung tâm Le Bourget trở nên quá tải. Chỉ riêng sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kèm theo hàng trăm thành viên các cơ quan an ninh Mỹ, cùng hàng chục cảnh sát Pháp hỗ trợ và dẫn đường. Đỉnh điểm công tác đón tiếp sẽ diễn ra vào chiều 29/11 khi hàng chục các chuyên cơ lần lượt hạ cánh xuống sân bay. Cảnh tượng các đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng tại lối vào khu trung tâm hội nghị Le Bourget vào sáng 30/11 cũng đã được dự báo vào thời điểm Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bắt đầu chào đón lãnh đạo cấp cao và thành viên các đoàn đại biểu chính thức. Trong trung tâm Paris, công tác bảo vệ các đại sứ quán và các khách sạn lớn, nơi nghỉ của lãnh đạo các nước cũng được tăng cường. Chỉ riêng công việc này cũng cần huy động 6.300 nhân viên an ninh các loại.

Cũng trong tình trạng khẩn cấp, nhà chức trách Pháp đã cấm các hoạt động tuần hành về vấn đề khí hậu tại Paris nhằm tránh xảy ra những sự cố có thể xảy ra trong bối cảnh an ninh bất ổn. Cụ thể, Chính phủ Pháp đã ban hành lệnh cấm người dân tham gia hai cuộc tuần hành do tổ chức Coalition Climat 21 tập hợp 130 tổ chức và hiệp hội của xã hội dân sự dự kiến diễn ra tại Paris và một số thành phố khác của Pháp vào ngày 29/11 và 12/12, trước và sau thời điểm diễn ra hội nghị COP21. Trước quyết định cấm, các tổ chức xã hội dân sự đã cáo buộc chính quyền Pháp lạm dụng “tình trạng khẩn cấp” để hạn chế các cuộc tuần hành hòa bình phản đối việc xây dựng các công trình hạ tầng gây ô nhiễm làm tăng lượng khí thải nhà kính cũng như những hành động do con người gây ra dẫn tới biến đổi khí hậu.

Giao thông tại Paris và trong vùng Ile-de-France trong các ngày 29 và 30/11 là hết sức khó khăn. Chính quyền thành phố Paris đã thông báo một số tuyến đường dẫn đến khu vực Le Bourget cũng như từ hai sân bay Charles de Gaulle và Orly sẽ bị cấm hoàn toàn đối với các xe ô tô cá nhân từ 6h sáng đến 22h nhằm tránh gây ùn tắc giao thông. Để bù lại, chính quyền thành phố Paris đã quyết định để người dân được sử dụng miễn phí các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện và tàu điện ngầm trong hai ngày cao điểm. Các đại biểu, nhà báo quốc tế đến dự và đưa tin về Hội nghị COP 21 được phát thẻ Navigo cho phép sử dụng miễn phí các phương tiện công cộng trong hai tuần liền. Người dân Paris và trong vùng Ile-de-France được khuyến cáo làm việc tại nhà hoặc qua hệ thống video nhằm tránh việc đi lại không cần thiết trong hai ngày 29 và 30/11. Mặc dù chính quyền thành phố Paris đã hết sức cố gắng, nhưng giao thông khó khăn thậm chí có phần rối loạn là việc không thể tránh khỏi khi Paris là “điểm hẹn” của thế giới với việc đăng cai hội nghị COP21.

Nguồn: tinmoitruong.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:159680
Lượt truy cập: 176.539.905