Gặp gỡ nữ công nhân đóng tàu

Thứ năm, 10/03/2016 12:00

“Thợ nữ nhẫn nại, chịu khó, bất cứ việc gì nam giới làm được chúng tôi cũng làm được”, chị Phạm Thị Thuyết - Tổ trưởng Tổ hàn vỏ bậc 6/7 chia sẻ về công việc của mình và gần 170 chị em thợ trực tiếp sản xuất của Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.

Chị Phạm Thị Thuyết - Tổ trưởng Tổ hàn vỏ, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng
 
 
Trước khi gặp chị Thuyết, tôi đã được ông Đào Nguyên Huấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng giới thiệu: “Thợ hàn đóng tàu đòi hỏi tay nghề cao, sức khỏe tốt, vất vả hơn thợ hàn các ngành nghề khác rất nhiều”. Quả thực khi trực tiếp gặp, nhìn nước da sạm nắng của chị Thuyết, tôi càng thấy rõ sự quả cảm nơi người phụ nữ tuổi ngoài 40 này. Năm ngoái chị là một trong hai người phụ nữ duy nhất tham gia “Hội thi Thợ hàn giỏi SBIC”.
 
Chị Thuyết kể, suốt ngày trèo leo trên thành tàu hàn ngoài trời, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè cũng chưa phải là khó khăn nhất, vì ở đó còn thoáng, có không khí để thở, có chỗ để đứng. Khổ nhất với người thợ hàn đóng tàu là hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, mà thợ đóng tàu vẫn gọi là các “hầm hấp tôm” chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi tôn mới, mùi cháy khét của kim loại, đinh tai váng óc vì tiếng ồn rất lớn của cả công trường đang thực hiện các công đoạn đóng tàu.
 
Các khoang hầm chỉ thông với nhau bằng các “cửa giảm trọng” là những lỗ tròn vừa đúng một người chui. Trong khi độ nóng của que hàn là 2.7000C truyền vào những tấm tôn. Người thợ phải hàn trong tất cả các tư thế, từ “tư thế 12h” ngửa thẳng mặt lên, khó nhất là “tư thế 6h” gập người tới 1800 sát xuống những tấm tôn để hàn. Khói hàn toàn CO2 và nhiều loại khí độc hại, người thường chắc không chịu nổi mươi phút.
 
“Cơ khí là nghề nặng nhọc, vất vả. Chị em có lợi thế là nhẫn nại, chịu khó, đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của công việc”, chị Thuyết nói.
 
Hỏi thêm về tay nghề, chị cho biết: “Mấy năm trước công ty thực hiện các sản phẩm tàu xuất khẩu, là tàu lớn, thép hàn dày, đăng kiểm nước ngoài kiểm tra, tay nghề thợ đòi hỏi rất khắt khe. Nay các sản phẩm thi công là tàu nhỏ, như tàu lưới rê chị đang làm, thép khá mỏng, nhưng cũng có những cái khó riêng, đòi hỏi nhiều hoa tay người thợ”.
 
Chị Thuyết bộc bạch thêm, đã 20 năm gắn bó, nên chị rất yêu nghề. Thời gian trước nhà máy khó khăn, việc làm ít, chị phải tìm thêm việc khác, làm cả trong và ngoài. Nay đi làm đủ 8 tiếng, có đợt sản phẩm yêu cầu tiến độ phải làm thêm 1 tiếng nữa, đến 18h mới về, mệt mê tơi đi nhưng mà vui. Lương ăn theo sản phẩm, trên 5 triệu, có tháng được cao hơn. Người thợ chỉ mong muốn nhất là nhà máy có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
 
Chia sẻ thêm, ông Đào Nguyên Huấn cho biết, chị Thuyết đang giữ trách nhiệm Tổ trưởng tổ hàn. Chị có tay nghề rất vững, thậm chí vượt trội so với nhiều thợ nam giới. Trong tất cả các dịp bình bầu thi đua chị đều nhận được danh hiệu cao nhất, liên tục nhiều năm chị là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhà máy có nhiều tổ hàn, song chị Thuyết là Tổ trưởng nữ duy nhất. Trước đây, mỗi tổ hàn gần 30 người, nay tổ hàn của chị Thuyết chỉ có 6 người, trong đó có ba thợ nữ.
PV
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:76246
Lượt truy cập: 176.105.513