Traphaco tăng 20% doanh thu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ tư, 04/05/2016 13:34

Dùng phần mềm trên máy tính bảng thay sổ tay, sổ đơn hàng, thẻ kho, tờ rơi, phục vụ việc giới thiệu và bán hàng cho nhà thuốc… giúp Traphaco tăng 20% doanh thu trong năm 2015.

Đến cửa hàng thuốc Việt Lương tại ngõ 15, đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, trình dược viên Nguyễn Ngọc Hà và chủ nhà thuốc là chị Nguyễn Thị Lương chỉ cần mở iPad, lựa chọn những sản phẩm mà nhà thuốc cần nhập trong ngày. Nhờ hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quản lý bán hàng, anh Hà cũng nhận được phản hồi ngay về doanh số của từng loại thuốc mà nhà thuốc đã nhập trước đó. Thay vì mất thời gian ghi chép, tổng hợp số liệu, nhập liệu và gửi báo cáo về công ty, tất cả thao tác và kết quả làm việc được hiển thị trên toàn hệ thống, giúp trình dược viên tiết kiệm thời gian. Không những vậy, việc quản lý bán hàng bằng CNTT còn giúp trình dược viên lên kế hoạch khoa học nhất về lộ trình bán hàng, lên lịch viếng thăm từng nhà thuốc ở địa bàn mình phụ trách. Nhờ CNTT, năng suất lao động của anh và tập thể 400 trình dược viên của Công ty Cổ phần Traphaco đã tăng gấp đôi, hiệu quả theo đó cũng tăng lên rõ rệt.


Trình dược viên giới thiệu các sản phẩm của Traphaco tới khách hàng qua máy tính bảng.

Năm 2014, Traphaco đầu tư gần 4 tỷ đồng cho hệ thống phần mềm quản lý chuỗi phân phối cùng 400 máy tính bảng cho đội ngũ trình dược viên. Ông Trần Túc Mã - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, đầu tư cho hệ thống quản lý chuỗi phân phối ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, số liệu “sống” được cập nhật online trên toàn hệ thống tại 63 tỉnh thành giúp ban giám đốc nắm rõ nhất hiệu quả hoạt động ở từng tỉnh thành. Số liệu này cũng giúp lãnh đạo công ty nhanh chóng phân tích, hoạch định kế hoạch bán hàng. “CNTT còn từng bước thiết lập tác phong làm việc chuyên nghiệp cho các trình dược viên”, ông Mã chia sẻ. Cập nhật thông tin khách hàng, tra cứu lịch sử các đơn hàng, gửi báo cáo trực tuyến… đều được thao tác trên máy tính. Nhờ đó, các trình dược viên có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc khách hàng, gia tăng doanh số.

“Phần mềm cũng giúp các lãnh đạo cập nhật và phân tích chính xác dữ liệu bán hàng theo giờ. Đồng thời, quản lý thông tin khách hàng, dữ liệu chi tiết từng khách hàng, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định chính xác trong thời gian ngắn khi cần phân tích số liệu của từng nhà thuốc mà không phải chờ báo cáo của nhân viên", ông Mã cho biết thêm. Qua đó, việc quản trị công ty được cải thiện rõ rệt, lợi nhuận tăng trưởng do giảm thiểu được chi phí tài chính, chi phí bảo quản hàng hóa, tăng năng suất lao động và hiệu quả của hệ thống quản lý chất lượng.

Nói về các tiện lợi từ việc sử dụng máy tính bảng phục vụ công việc bán hàng, Trần Thế Nam, trình dược viên khu vực Hà Nội cho biết: “Tôi mất một tháng để làm quen với phong cách làm việc mới. Khi đã quen, tôi thấy bán hàng theo phương thức sử dụng phần mềm như này tiện lợi hơn rất nhiều. Ưu điểm đầu tiên là gọn nhẹ. Từ khi sử dụng máy tính bảng, tôi không phải mang theo sổ ghi chép cá nhân, sổ ghi đơn hàng, thông báo khuyến mãi, bảng giá bán sản phẩm... Bởi tất cả đều có trong máy, chỉ cần một cái lướt tay”.

Trình dược viên Đỗ Ngọc Ánh cho biết: “Điểm hấp dẫn nhất khi sử dụng phương thức bán hàng bằng phần mềm trên máy tính bảng này là mình thấy bản thân chuyên nghiệp hơn bởi việc tạo đơn hàng rất nhanh chóng, tránh được các nhầm lẫn hay sai sót về đơn hàng giao cho khách”.

Nhờ cải tiến quy trình, tác phong làm việc chuyên nghiệp mà các trình dược viên đã loại bỏ được lượng khách hàng ảo trong hệ thống. Thời gian đầu triển khai phần mềm, số lượng khách hàng từ 10.000 giảm xuống 6.800 nhờ loại bỏ được các khách hàng ảo. Sau 2 năm, lượng khách hàng tăng mạnh, đạt 22.000 khách hàng (mức tăng xấp xỉ 300%), góp phần tăng doanh thu của công ty thêm 20% vào năm 2015. Riêng kênh nhà thuốc tăng trưởng 41%. Nhờ đó, lương của cán bộ công nhân viên trong công ty đều tăng, mạnh nhất ở bộ phận trình dược viên với mức tăng trung bình 10-13 triệu đồng/tháng lên gần 20 triệu đồng/tháng.

“Kết quả hoạt động ứng dụng CNTT thật ngoài sức mong đợi. Ngoài chất lượng làm việc tốt hơn, đời sống cán bộ tăng cao, mối quan hệ với khách hàng của Traphaco cũng cải thiện rõ rệt”, ông Trần Túc Mã cho biết.

Traphaco là đơn vị đầu tiên trong ngành dược áp dụng CNTT trong quản trị bán hàng từ năm 2014. Nắm rõ được hiệu quả của mô hình, đến nay đã có thêm 2 doanh nghiệp ngành dược áp dụng mô hình này.

Theo zing

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:49323
Lượt truy cập: 176.698.938