Toàn cảnh buổi hội thảo
Phát triển giao thông thông minh
Phát biểu tại hội thảo ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT ngày càng diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thì việc triển khai hệ thống giao thông thông minh được TP xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để từng bước giải quyết các vấn đề giao thông của TP. Theo kế hoạch, TP sẽ đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng Trung tâm điều hành giao thông đô thị trong giai đoạn 2016-2020 để quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống giao thông của TP dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, hiện đại”.
Theo ông Khoa, hội thảo này có ý nghĩa quan trọng để TP tiếp thu và lắng nghe các ý kiến trước khi quyết định mô hình tối ưu và các giải pháp đồng bộ để phát triển giao thông thông minh.
Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và điều hành giao thông đô thị đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, các dự án triển khai trong thời gian qua chỉ mang tính chất thí điểm và riêng lẻ. Vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, đặc biệt phát triển giao thông thông minh (ITS) tại TP.HCM.
Hiện nay Sở GTVT đưa ra 4 vấn đề gặp phải trong quá trình ứng dụng đó là sự thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Các ứng dụng hiện nay còn rời rạc, chưa hỗ trợ được lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề về trật tự ATGT. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý và vận hành hệ thống ITS hiện nay còn hạn chế, chưa đảm bảo việc phát triển bền vững của hệ thống ITS trong tương lai.
Công nghệ “đếm” xe gắn máy
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải bàn luận về hệ thống ITS trên địa bàn TP.
Chia sẻ một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các TP lớn, T.S Hoàng Kiên Trường ĐH GTVT cho biết, ITS ở Nhật Bản nhờ cung cấp dữ liệu bản đồ, giới thiệu và phát triển các thiết bị trên đường, định hình một tổ chức thúc đẩy sự kết nối giữa các bộ ngành liên quan với các đơn vị nghiên cứu sản xuất. Theo nhóm này để giải được bài toán giao thông trước những khó khăn hiện nay cần có cơ chế để tất cả các phương tiện giao thông đều phải lắp đặt thiết bị chuẩn. Song song với đó là việc phát triển các thiết bị kết nối trên đường và hệ thống trung tâm điều khiển. Các hệ thống đầu cuối này sẽ hỗ trợ ghi lại các dữ liệu giao thông và là cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn cho việc quản lý và điều hành giao thông hiệu quả.
Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu về mô hình trung tâm điều hành ITS, T.S Vũ Thế Sơn - Trường ĐH GTVT TP.HCM đại diện của nhóm cho rằng: Hiện nay vẫn chưa có trung tâm điều hành tập trung để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển giao thông trên toàn TP. Nhóm đề xuất xây dựng triển khai các kế hoạch và điều hành toàn bộ hệ thống giao thông qua từng giai đoạn và thu thập thông tin giao thông từ xe gắn máy qua công nghệ chip RFID. Công nghệ này sẽ đếm và phân loại chính xác phương tiện giao thông, kiểm tra tốc độ, phát hiện và cảnh báo xe chạy sai đường, chống trộm và cung cấp thông tin an ninh cho công an. Đồng thời nhóm kiến nghị xây dựng mô hình mô phỏng dòng giao thông nhiều xe máy bằng lý thuyết “tế bào chuyển dịch”.