Chú trọng đặc biệt phát triển nhân lực an toàn thông tin tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thứ hai, 18/09/2017 21:22

Chủ đề diễn tập quốc tế về ứng cứu sự cố an ninh mạng trên quy mô toàn khu vực Đông Nam Á năm nay là “"Những nguy cơ của việc thiếu xác thực và kiểm soát truy cập kém”.Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT xin giới thiệu một số nội dung trong Chỉ thị này.


Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CN4) với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của xã hội. Đặc điểm cơ bản của Cách mạng CN4 là sự lan toả mãnh liệt của sức mạnh số hoá và công nghệ thông tin (CNTT). Làn sóng công nghệ mới này đang tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội, phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Những thách thức khi tiếp cận Cách mạng CN4

Do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ, dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. Cách mạng CN4 cũng đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực CNTT; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý; xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Cũng như các nước đang và chậm phát triển khác, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác, có khả năng lan toả hiện tượng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Các giải pháp và nhiệm vụ chính

Thứ nhất, tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng cơ sở, tạo sự bứt phá thực sự về ứng dụng và nhân lực CNTT - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Chú trọng hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trong toàn quốc từ năm 2018; có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Việc tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT - truyền thông có vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng CN4; ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực CNTT, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin.

Thứ hai, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách (được cụ thể trong Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ) nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Các Bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính. Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT và các công nghệ tiên tiến khác. Tiếp tục rà soát, khẩn trương thực hiện triệt để Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.

Chỉ thị cũng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng CN4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ, trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nắm bắt các xu thế phát triển khoa học và công nghệ; chủ trì, tổ chức triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn, tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Cách mạng CN4; trong đó bao gồm các nghiên cứu về CNTT, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu....

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá xu hướng vận động của cuộc Cách mạng CN4, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở chỉ đạo các bộ, ngành địa phương xây dựng các nhiệm vụ, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng địa phương.

Ủy ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ rà soát, quy hoạch phát triển vùng, địa phương; đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng CN4; rà soát các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm chủ lực, phù hợp để tập trung đầu tư phát triển.

Tiến độ và một số nhiệm vụ cụ thể cũng được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành trong Chỉ thị, trong đó có, xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh, đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (tỉnh Bắc Ninh); thí điểm phổ cập kiến thức khoa học và công nghệ đến người dân qua điện thoại di động (tỉnh Bắc Giang); triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa có sản lượng và chất lượng cao (tỉnh Hà Nam).

Tăng cường nhận thức về an toàn thông tin và chủ quyền công nghệ số quốc gia

Nhiệm vụ lồng ghép các nội dung triển khai cuộc Cách mạng CN4 trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được giao cụ thể cho Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; tham mưu về chủ trương, chiến lược, tham gia xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho triển khai Cách mạng CN4 ở Việt Nam cũng được giao cho Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng CN4 được triển khai đồng bộ. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo dựng hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng CN4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Dần tạo ra sức mạnh tổng thể, hài hoà để nước ta tiếp cận cuộc Cách mạng CN4, trong đó tăng cường nhận thức về an toàn thông tin và chủ quyền công nghệ số quốc gia.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng CN4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:57234
Lượt truy cập: 176.562.833