Đó là nhận định chung của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn thông tin tại hội nghị Quốc gia về An ninh mạng 2017 - Cyber Security 2017 được tổ chức trong ngày 9.11. Sự kiện có sự tham gia của 21 lãnh đạo an ninh thông tin cấp cao cùng với hơn 250 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật và an toàn an ninh thông tin trong và ngoài nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với hàng tỷ người kết nối Internet và xu hướng IoT được kỳ vọng mang đến vô số cơ hội cho Việt Nam trong hội nhập hiệu quả vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo: Gia tăng kết nối đồng nghĩa với gia tăng rủi ro trong bảo mật, an ninh thông tin.
Chia sẻ tại hội nghị về những thách thức với an ninh mạng, Trung tướng, PGS.TS Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng – Bộ Công an, đã chỉ ra hàng loạt nguy cơ như tấn công hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử của nhà nước; phát tán tin giả; làm tê liệt hạ tầng thông tin…
Đồng thời, PGS Thuận nhấn mạnh: “Chúng ta đang tụt hậu về năng lực bảo vệ an ninh mạng quốc gia, lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài khiến chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia không được bảo đảm.”
Cùng có chung quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra những con số đáng báo động về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hải bày tỏ lo lắng về việc chúng ta đang bỏ ngỏ việc kiểm định thiết bị
Trong năm 2016, số vụ tấn công mạng ở Việt Nam là 135.190 vụ, trong đó phising (lừa đảo) có 10.2776 vụ, malware là 47.135 vụ và Deface chiếm 77.779 vụ. Trong xu thế ứng dụng IoT ngày càng mạnh mẽ, nguy cơ mất an toàn thông tin lại càng nghiêm trọng.
Ông Hải cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một nguy cơ rất lớn đang bị bỏ qua. Đó là không có sự kiểm định các thiết bị IoT trước khi đưa vào thị trường.
Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không kiểm soát được cấu tạo, hoạt động bên trong các thiết bị IoT, bởi nhiều khả năng, những thiết bị này có những hoạt động gây rò rỉ thông tin hoặc trở thành điểm yếu trong hệ thống cho những kẻ tấn công khai thác.
Hiện nay, hầu hết các thiết bị IoT tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài nhưng chúng ta lại đang hoàn toàn bỏ ngỏ khâu kiểm định. Trong khi đó, đây là điều mà nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Bởi vậy, việc nhanh chóng triển khai khắc phục lỗ hổng này là điều hết sức cần thiết.
“Nếu không xây dựng được hệ thống mạnh về an toàn thông tin mà lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ rất lớn”, ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.