Có đến 85 triệu mã độc đang tồn tại trong các hệ thống mạng máy tính tại Việt Nam

Thứ tư, 29/11/2017 17:20

Trong báo cáo mới đây vào ngày 24/11, Kaspersky Lab cho biết trong quý III năm 2017, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về lượng mã độc tấn công các hệ thống máy tính (tỷ lệ lên đến 71,4%). Đồng thời, có đến 85 triệu mã độc đươc phát hiện và đang tồn tại trong các hệ thống máy tính tại Việt Nam.

Có đến 85 triệu mã độc đang tồn tại trong các hệ thống mạng máy tính tại Việt Nam

Bên cạnh đó, 12 triệu mã độc tấn công qua đường internet đang tồn tại ở Việt Nam và 21,3% số người dùng internet tại Việt Nam đang bị các mã độc này đe dọa. Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới về mã độc tấn công qua đường internet.

Theo các chuyên gia, đây là những con số hết sức đáng lo ngại cho vấn đề bảo mật, an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay. Năm 2015, các cuộc tấn công ồ ạt của hacker vào các website tại Việt Nam cũng sử dụng mã độc "nằm vùng" trong các hệ thống máy tính tại Việt Nam. Năm 2016, các cuộc tấn công vào hệ thống của Vietnam Airlines và các hệ thống máy tính tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cũng từ những mã độc nguy hiểm.

Kaspersky cũng cho biết hiện nay, rất nhiều máy chủ của các cơ quan chính phủ đang bị hacker tấn công, nắm giữ nhưng các cơ quan này lại không hề hay biết. Các máy chủ này khi bị hacker nắm giữ sẽ bị lợi dụng để làm "bàn đạp" tấn công sang các hệ thống máy tính khác. Không chỉ bị tấn công, nắm giữ, nhiều máy chủ của các cơ quan chính phủ còn bị rao bán trên các chợ đen của hacker. Nhiều máy chủ của các cơ quan chính phủ cũng bị tấn công, nắm giữ nhiều lần vì tồn tại các lỗ hổng bảo mật đơn giản nhưng nhiều cơ quan không khắc phục. Đây là lỗ hổng rất đáng lo ngại cho hệ thống máy tính của các cơ quan chính phủ tại Việt Nam.

Các chuyên gia cảnh báo người dùng, doanh nghiệp cũng như các tổ chức cần phải tăng cường hệ thống, giải pháp phòng chống mã độc để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.

Nguồn: kaspersky.proguide.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: