Ứng dụng công nghệ mới trong bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ sáu, 02/02/2018 08:24

Nhằm đưa ra các giải pháp sửa chữa bảo trì tăng cường mặt đường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép thử nghiệm ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội vào sửa chữa, bảo trì mặt đường

Dàn máy 80 tỷ của Công ty Hoàng An đang thực hiện công đoạn
cào bóc mặt đường tại Km 447+76-Km 448+000 trên
tuyến đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Trong thời gian qua, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam đã được đầu tư phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên trong quá trình khai thác, nhiều tuyến đường đã bị xuống cấp, hư hỏng cần bảo trì kịp thời. Nhằm đưa ra các giải pháp sửa chữa bảo trì tăng cường mặt đường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép thử nghiệm ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội vào sửa chữa, bảo trì mặt đường. Qua thời gian thử nghiệm bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế và đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Theo ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài khoảng 280.000 km; trong đó, đường cao tốc có chiều dài khoảng 700 km, quốc lộ có chiều dài gần 17.000 km và đường tỉnh trên 25.000km. Do đó, hàng năm cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để duy tu, bảo trì.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay do khả năng nguồn vốn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp (chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu) nên nhiều tuyến đường không được duy tu, bảo trì kịp thời đã bị xuống cấp nhanh chóng.

Còn đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, thực hiện chủ trương hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, vật liệu mới của nước ngoài vào trong xây dựng, duy tu bảo trì các công trình giao thông ở Việt Nam đem lại hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật.

“Công nghệ cào bóc tái sinh nguội các lớp kết cấu áo đường là một trong những công nghệ hiện đại, cơ giới hóa cao, đã được áp dụng phổ biến trong các dự án sửa chữa, nâng cấp các công trình đường bộ trên thế giới. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm một số công nghệ tái sinh nguội mặt đường; trong đó có công nghệ của hãng Writgen (Đức), hãng HallBrother (Mỹ) và của hãng Sakai (Nhật Bản)", đại diện Vụ Khoa học Công nghệ cho biết.

Để có cơ sở pháp lý và khoa học cho việc áp dụng công nghệ này vào sửa chữa, bảo trì hệ thống quốc lộ tại Việt Nam, Bộ Giao thộng vận tải đã cho thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành chính thức Quy định kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng trong kết cấu đường ô tô (theo công nghệ của hãng Writgen –Đức).

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành cơ chế chính sách và định mức đơn giá để làm cơ sở áp dụng rộng rãi các công nghệ này trong cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ở Việt Nam.

Là một doanh nghiệp tiên phong nhập máy móc và cho kỹ sư sang Đức để nhận chuyển giao công nghệ, ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng An cho biết, như trước đây khi áp dụng công nghệ thi công theo cách truyền thống, sau một thời gian mặt đường bong tróc, khi sửa chữa phải vận chuyển đổ vật liệu hỏng đi.

Nhưng nay áp dụng công nghệ mới này đã triệt tiêu những nhược điểm, đồng thời tái chế lại toàn bộ vật liệu hỏng và thảm lại mặt đường ngay lập tức. Theo đó, không mất công đổ vật liệu, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm được tài nguyên như đá, cát để đưa về làm lại.

“Đối với chất lượng, việc áp dụng công nghệ này sẽ tốt hơn nhiều so với thi công truyền thống trước đây. Ví dụ như thi công truyền thống, khi sửa chữa kết cấu không đồng bộ, còn riêng kết cấu của bộ tái chế này sẽ đồng bộ và tất cả các chỉ số đều đạt từ hơn 1,3 đến 1,5 lần so với làm đường mới theo công nghệ cũ”, ông Thêm chia sẻ.

Về lý do bỏ ra một khoản tiền lớn để nhập máy móc thực hiện công nghệ cào bóc tái chế ông Thêm cho hay, thị trường Việt Nam đã đến lúc phải đưa hệ thống bảo trì trên hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và tại các thành phố. Theo đó, công ty sẽ tiến hành thay đổi công nghệ vào lĩnh vực bảo trì trên các tuyến đường.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, hiện nay, nhà đầu tư là Công ty Hoàng An đã mua công nghệ Đức. Đây là công nghệ tiên tiến và được áp dụng nhiều trên thế giới. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã áp dụng công nghệ làm đường này tại tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình cho kết quả rất tốt.

Khi áp dụng công nghệ cào bóc tái chế này đảm bảo thi công nhanh gọn, vừa đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, công nghệ này sẽ được áp dụng trong bảo trì tại các tuyến quốc lộ lớn, đường cao tốc.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
việc áp dụng công nghệ này sẽ tốt hơn nhiều so với thi công truyền thống trước đây.
Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận xét, quá trình thực hiện thử nghiệm trên tuyến đường Yên Phụ vừa qua đã tuân thủ theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội là cải tạo, sửa chữa mặt đường không được tăng “cốt” cao độ của mặt đường cũ; tận dụng và giảm thiểu vận chuyển nguyên vật liệu cũ đổ đi, qua đó giảm tối đa tác hại đối với môi trường.

Công nghệ mới này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép thí điểm. Qua thử nghiệm, kết quả được đánh giá đạt chất lượng yêu cầu.

Phó Giám đốc Ngô Mạnh Tuấn cũng cho hay, đây là phương pháp tiên tiến, có tiềm năng, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, phù hợp sửa chữa mặt đường với khối lượng lớn; tận dụng được vật liệu cũ, giảm thiểu nhân công; nhanh chóng đưa tuyến đường vào lưu thông ngay sau khi thi công 3 giờ...

Đánh giá cao kết quả của việc thử nghiệm thời gian vừa qua, theo ông Nguyễn Văn Huyện, bước đầu ứng dụng công nghệ bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng cho thấy cường độ mặt đường bảo trì hơn hẳn cường độ mặt đường được bảo trì theo hình thức truyền thống, từ đó có thể kéo dài tuổi thọ của công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Ngoài ra, khi sử dụng công nghệ này không phải đổ bỏ phần mặt đường cũ đã cào bóc để thi công bảo trì mà phần vật liệu này được tái chế lại…

Nhìn từ thực tế công tác bảo trì đường bộ hiện nay, ông Huyện cho rằng, đã đến lúc Việt Nam không thể chần chừ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào bảo trì đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị của Tổng cục, các Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty cổ phần Hoàng An lựa chọn, đề xuất đoạn tuyến quốc lộ trên địa bàn quản lý để Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét, chấp thuận áp dụng thí điểm công nghệ cào bóc tái chế nguội lớp bê tông nhựa trong bảo trì đường bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, việc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào bảo trì đường bộ; trong đó, có việc ứng dụng công nghệ mới cào bóc tái chế mặt đường tại các công trình giao thông đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành giao thông vận tải giai đoạn 2014-20120 và định hướng đến năm 2030" và “Đề án Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2020” của Bộ Giao thông vận tải./.

Nguồn: TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:131341
Lượt truy cập: 176.358.656