Áp lực về thời gian
Sau khi nghe điện thoại, chị Đào Thị Bích Liên đang làm nhiệm vụ tại gác chắn Bình Sơn (đường ngang Km 908 + 746) vội cầm cờ, còi để đón tàu. Có tín hiệu báo tàu tới, chị nhanh chóng kéo chắn để đảm bảo an toàn cho người đi đường và đoàn tàu lưu thông thuận lợi.
Nữ gác chắn Đào Thị Bích Liên đang làm nhiệm vụ.
Công việc chính của những người gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Nghe qua tưởng công việc đơn giản, nhưng nhân viên gác chắn đường tàu phải chịu áp lực về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề. Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng. Khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ.
Trung bình mỗi ban, các chị đón 15 chuyến tàu đi qua. Công việc càng thêm phần nhọc nhằn khi vào các dịp lễ, Tết tàu tăng chuyến. Vất vả, hiểm nguy là thế, nhưng họ vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm đối với công việc mình đã lựa chọn.
Tàu qua an toàn là quên mệt nhọc
Khi phố lên đèn, mọi người trở về quây quần bên gia đình thì cũng là lúc những người phụ nữ gác ghi bắt đầu ca làm việc buổi tối. Ca tối bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Vừa đón một đoàn tàu qua an toàn, chị Phạm Lê Hồng Ngọc làm việc ở gác chắn Nguyễn Trãi (đường ngang Km 928 + 870) thấy lòng nhẹ nhõm. Chị Ngọc cho biết: "Đây là khu vực đông dân cư. Lượng phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất lớn. Mỗi khi tàu đi qua, mình vừa kéo rào chắn là họ ùa nhau chạy xe. Bởi thế, lúc nào cũng phải căng mình, tập trung hết sức".
Không ít trường hợp bất chấp rào chắn khi tàu sắp đi qua mà không quan tâm đến những nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và những người xung quanh. ‘‘Chỉ mong người đi đường có ý thức hơn, không cố vượt rào chắn để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với chúng tôi, mỗi đoàn tàu đi qua an toàn là niềm vui, hạnh phúc’’, chị Trương Thị Thu Hà cùng trạm gác chắn với chị Ngọc bày tỏ.