Nữ kĩ sư điện tử đầu máy Phạm Thị Lan miệt mài trong công việc sửa chữa các thiết bị, chế tạo linh kiện điện tử
Chinh phục công nghệ, giảm phụ thuộc nhập khẩu
Tại chương trình giao lưu với các điển hình tiên tiến Đại hội Thi đua yêu nước Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2015-2020 được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, hình ảnh một nữ kĩ sư nhiều tâm huyết để lại ấn tượng mạnh với các đại biểu về tinh thần đam mê sáng tạo. Đó là chị Phạm Thị Lan (SN 1981), kĩ sư điện tử viễn thông, tổ trưởng sản xuất phụ trách công tác sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện tử trên đầu máy (Phân xưởng Sửa chữa, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn).
Ấn tượng bởi chị Lan là nữ kĩ sư sửa chữa điện tử đầu máy duy nhất tham gia đề tài KHCN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn thử nghiệm để phát hiện sự cố, sửa chữa máy tính ZY 8000-1 trên đầu máy D19E” cùng với các tác giả khác.
Đề tài này cùng 73 công trình nghiên cứu, sáng tạo khác đã được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2019. Sách do Ủy ban Trung ương MTTQ VN phối hợp với Bộ KHCN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN thực hiện hàng năm nhằm tôn vinh các công trình có hàm lượng KHCN cao, giá trị áp dụng thực tiễn, làm lợi lớn.
Chia sẻ về đề tài này, chị Lan cho biết, đầu máy D19E hiện đang là đầu máy chủ lực cung cấp sức kéo có công suất lớn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng số 85 đầu máy, được nhập từ nước ngoài. Hệ thống máy tính ZY 8000-1 Computer Control System (CCS) sử dụng trên đầu máy D19E, được chế tạo trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới điện tử mới nhất, được phân chia thành những module điện tử.
Tính từ lô đầu máy D19E đầu tiên được đưa vào vận dụng từ năm 2002 đã hơn 15 năm sử dụng, nhưng vẫn chưa có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra các module điện tử lắp trong bộ CCS sau khi sửa chữa. Tất cả mọi công việc đều phải đưa lên đầu máy dẫn đến mất nhiều thời gian thao tác, chạy thử, kiểm tra và cả nhiên liệu.
Trong khi đó, muốn chế tạo bàn thử kiểm tra dưới đất lại không có tài liệu kĩ thuật do hệ thống thiết bị ZY 8000-1 được xếp vào bí mật công nghệ của nhà máy sản xuất nên họ không chuyển giao, cung cấp. Xuất phát từ nhu cầu đó, chị Lan đã cùng các tác giả là lãnh đạo, cán bộ kĩ thuật xí nghiệp và các tác giả ngoài ngành mày mò, nghiên cứu chế tạo bàn thử. Tuy nhiên, cũng phải mất đến 3 năm mới thành công.
“Với việc chế tạo mới bàn thử bộ máy tính ZY 8000-1, chúng tôi hoàn toàn làm chủ được quy trình công nghệ kiểm tra, sửa chữa phục hồi các module máy tính ZY8000-1. Thông qua bàn thử nghiệm, kiểm tra có thể phân tích chuẩn đoán những hư hỏng cũng như đưa ra các biện pháp xử lý nhằm phòng ngừa trước khi sự cố xảy ra”, chị Lan cho biết.
Không những vậy, đề tài cũng giúp các xí nghiệp đầu máy chủ động công tác cung cấp phụ tùng vật tư, giảm chi phí nhập mới do tự chủ trong sửa chữa, phục hồi; Đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhân công, nhiên liệu, mua mới module...
“Nếu như trước kia, mỗi lần thử tải bo mạch công suất trên đầu máy sẽ phải mất hàng chục lít dầu để nổ máy đầu máy. Nay thử trên bàn thử sẽ chỉ tốn ít điện thôi”, chị Lan nêu ví dụ.
Các sáng kiến của nữ kĩ sư Phạm Thị Lan góp phần giảm giờ dừng sửa chữa đầu máy, đảm bảo chất lượng đầu máy ra vận dụng, tiết kiệm chi phí
Đam mê, truyền lửa sáng tạo
Chia sẻ về cái duyên đến với ngành Đường sắt, chị Lan cho biết, quê chị ở Hưng Yên. Nhận tấm bằng kĩ sư điện tử viễn thông, chị đã trải qua nhiều năm công tác tại các doanh nghiệp ngoài đường sắt. Đến năm 2011, chị mới đầu quân vào Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn.
Khi đó, mục đích xí nghiệp tuyển chị vào nhằm đào tạo chuyên sửa chữa các hộp đen, bộ ghi dữ liệu trên đầu máy. Thế mà, chỉ 2 năm sau chị được giao làm tổ trưởng sản xuất, “bao sân” toàn bộ mảng sửa chữa điện tử đầu máy.
Chị tâm sự, đặc thù mảng sửa chữa đầu máy trong ngành nói chung, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn nói riêng là quản lý, khai thác nhiều chủng loại đầu máy cũ, nhà sản xuất nước ngoài không sản xuất nữa. Vì thế, khi hỏng, cần thay thế thiết bị, linh kiện không có, phần lớn các anh em kĩ thuật, sửa chữa phải tự chế.
Hơn nữa, các tài liệu kĩ thuật khi nhập đầu máy giờ cũng không còn được đầy đủ, chi tiết như trước. Do đó, khi sửa chữa chị đều phải tự mày mò, lên mạng tìm hiểu, cập nhật thường xuyên...
“Làm nghề này phải kiên nhẫn, không được nản vì phải làm đi, làm lại, thử đi, thử lại, hỏng nhiều mới đi đến thành công. Cũng phải đam mê, càng làm càng muốn tìm tòi, chinh phục những khó khăn. Với lại, công việc hàng ngày của mình như vậy, mà mình làm không được, tự thân cũng cảm thấy khó chịu, phải tìm cách làm cho bằng được”, chị Lan tâm sự.
Vì cái tính “phải chinh phụ cho bằng được đó”, từ khi vào xí nghiệp đến nay, hầu như năm nào chị cũng có sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, không chỉ giúp ích cho công tác sửa chữa đầu máy mà còn giúp ích cho việc khai thác vận tải của ngành. Một trong những sáng kiến đó là nghiên cứu phần mềm đổi tần số bộ đàm thiết bị đuôi tàu.
Đây là thiết bị gắn ở toa xe cuối cùng của đoàn tàu hàng, kết nối tín hiệu với bộ đàm của lái tàu thông qua tần số. Tần số này do nhà sản xuất cung cấp khi nhập thiết bị. Lái tàu thông qua tín hiệu của bộ đàm sẽ biết được cuối đoàn tàu có xảy ra sự cố như đứt toa không.
Để thiết bị hoạt động, ngành Đường sắt phải đăng ký tần số này với Cục Tần số vô tuyến điện để được cấp phép, sắp hết thời hạn phải đăng ký tiếp, nếu chậm sẽ bị đơn vị khác đăng ký trước. Khi đó sẽ không tổ chức chạy tàu hàng được vì thiết bị không được sử dụng, không đảm bảo an toàn. Chị Lan đã nghiên cứu phần mềm liên kết với phần mềm của thiết bị để đổi sang tần số khác, vì vậy ngành kịp thời đăng ký tần số này để tổ chức chạy tàu hàng.
Nói về nữ tổ trưởng sản xuất xuất sắc của đơn vị, ông Phạm Vĩnh Phú, Phó giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn phụ trách khối vận dụng cho biết, chị Lan là một cây sáng kiến của xí nghiệp, nhất là trong khắc phục, sửa chữa các thiết bị điện, điện tử đầu máy. Trong 5 năm trở lại đây, năm nào chị cũng có ít nhất một đề tài cấp Tổng công ty Đường sắt VN, do đó chị là điển hình truyền lửa đam mê sáng tạo trong đơn vị.
“Có thể nói trong lĩnh vực kĩ thuật điện tử đầu máy toàn ngành, cô Lan là “của hiếm”, không phải chỉ vì chuyên ngành điện tử rất ít nhân viên nữ mà còn vì những sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của cô giúp ích nhiều cho công tác sửa chữa, vận dụng đầu máy của đơn vị, của ngành”, ông Vĩnh nói và cho biết thêm, đầu máy sau sửa chữa khi ra khai thác đảm bảo chất lượng kéo tàu, giảm thiểu sự cố, hỏng hóc dọc đường, vì thế anh em lái tàu đỡ vất vả, chuyên tâm điều khiển tàu đi đảm bảo tốc độ, hành trình và an toàn.
Nữ kĩ sư Phạm Thị Lan 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2018 được Bộ GTVT tặng bằng khen: “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo ngành GTVT năm 2017”; Năm 2019 được Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khen tặng: “Đã có thành tích tiên tiến trong lao động, được vinh danh tại Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân lao động kỹ thuật cao năm 2019”; Năm 2020 được Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khen tặng: “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2020”.
K.N