Đường sắt đẩy mạnh số hóa mong hút khách

Thứ hai, 26/07/2021 09:01

Trong bối cảnh dịch Covid-19, vận tải hành khách khó khăn, nhờ các giải pháp thị trường, công nghệ, vận tải hàng hóa đường sắt tăng trưởng tốt.

Việc chuyển đổi số và ứng dụng KHCN là động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của đường sắt, nhất là trong bối cảnh Covid-19 phức tạp hiện nay.

Đường sắt đang xây dựng nhiều giải pháp công nghệ, trong đó có chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực từ kinh doanh đến quản trị để hút khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh...

Hành khách kiểm tra vé qua các kios điện tử tại ga Hà Nội

Vận chuyển hàng từ nhà đến nhà

Chị Hoàng Mai Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do dịch Covid-19 phức tạp, chị vừa gửi 20kg mận cho người nhà ở TP HCM bằng tàu hỏa thông qua đặt hàng vận chuyển trên website harapost.vn của ngành Đường sắt.

“Tôi được người quen giới thiệu về hình thức nhận vận chuyển này nên đặt thử thì thấy rất tốt, giá lại rẻ. Chỉ ở nhà đặt qua mạng, có người đến tận nơi nhận hàng, xong lại giao tận nơi ở TP HCM mà giá có hơn 150 nghìn đồng. Trong khi trước đây tôi đặt qua hàng không mất hơn 600 nghìn đồng”, chị Trang nói.

Chị Thanh Hoa (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng chia sẻ, quê ở Hải Phòng nên gia đình thường xuyên về quê bằng tàu hỏa. Trước đây, chị phải ra tận ga mua vé, mỗi dịp lễ Tết rất mất thời gian chờ đợi. “Gần đây, tôi chỉ mua vé, thanh toán qua mạng. Sau đó, nếu hành trình tàu có thay đổi, phía đường sắt sẽ gửi tin nhắn, rất tiện lợi”, chị Hoa kể.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ vào kinh doanh vận tải và quản trị để tạo thuận lợi cho hành khách, nhất là mùa dịch.

Cụ thể, với vận tải hành khách, ngoài tham gia vào hệ thống bán vé điện tử, công ty phối hợp với các đơn vị triển khai tính năng mua vé, thanh toán qua các app trên điện thoại thông minh như: Momo, VNPAY, Napas, ngân lượng, vimo, viettel; kết nối với một số sàn giao dịch điện tử như sendo. Về vận tải hàng hóa, đơn vị chủ động xây dựng phương thức vận chuyển “từ nhà đến nhà” thông qua đặt vận chuyển qua website: harapost.vn.

“Công ty còn tham gia vào hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng của Tổng công ty Đường sắt VN để kịp thời cung cấp thông tin hàng vận chuyển trên đường cho khách. Đồng thời, thông qua các thông tin hiển thị trên hệ thống như trạng thái thương vụ toa xe để có thể tính toán được các yếu tố giảm chi phí, giảm giá thành đoàn tàu”, bà Hà thông tin.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, vận tải hành khách khó khăn, song nhờ các giải pháp thị trường, công nghệ, vận tải hàng hóa đường sắt tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm 2021, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vận chuyển được hơn 2 triệu tấn, doanh thu đạt 501,6 tỷ đồng, bằng 114,6% so với cùng kỳ 2020.

Là doanh nghiệp đường sắt đi đầu trong cung cấp dịch vụ logistics, đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ các khâu, hoạt động trong điều hành, thực hiện công việc từ hiện trường đến bộ phận gián tiếp; Đưa hơn 70% công việc qua số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa.

“Việc số hóa quản trị, kinh doanh giúp các giao dịch thuận lợi và nhanh nhất cho khách hàng. Đồng thời, lãnh đạo công ty cũng nắm bắt tức thời các hoạt động vận tải hàng hóa đã thực hiện, đang thực hiện để đưa ra các đánh giá, điều chỉnh kịp thời”, đại diện công ty cho hay.

Chuyển từ liên hệ trực tiếp sang giao dịch điện tử

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt VN, việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ là động lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của đường sắt, nhất là trong bối cảnh Covid-19 phức tạp hiện nay.

Trong công tác vận tải và điều hành chạy tàu, tổng công ty đã xây dựng, thực hiện hệ thống bán vé điện tử, phần mềm kiểm soát hành khách đi tàu, triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử và hóa đơn điện tử; hệ thống quản trị vận tải hàng hóa và điều hành chạy tàu...

“Chúng tôi đang kết nối và khởi tạo hệ sinh thái số với các đơn vị đối tác lớn trong và ngoài ngành để thực hiện việc bán vé và thanh toán điện tử cho hành khách. Hành khách mua vé tàu được gửi các thông tin về chuyến tàu thông qua email và SMS”, ông Nam thông tin.

Với công tác đảm bảo an toàn, đơn vị đã triển khai hệ thống camera giám sát tất cả các chức danh liên quan trực tiếp đến tổ chức chạy tàu, an toàn chạy tàu.

Các camera đều kết nối tín hiệu qua mạng về trung tâm giám sát để kịp thời cảnh báo các lỗi tác nghiệp hoặc yếu tố có thể đe dọa mất an toàn, đồng thời lưu giữ dữ liệu làm căn cứ để xác định nguyên nhân, trách nhiệm nếu xảy ra sự cố, vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện tổng công ty vẫn đang trong giai đoạn số hóa các công tác nghiệp vụ mà chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và phần mềm phân tích, xử lý, đánh giá số liệu để có những đánh giá, quyết sách phù hợp trong từng thời kỳ, thời điểm cụ thể.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số, với định hướng là tích hợp và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nam nói và cho biết, tổng công ty sẽ chuyển đổi dần mô hình kinh doanh từ liên hệ trực tiếp sang mô hình kinh tế số với việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng - giao dịch điện tử.

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, mục tiêu cụ thể của kế hoạch chuyển đổi số là số hóa và tin học hóa toàn bộ các quy trình nghiệp vụ của Tổng công ty Đường sắt VN tại các khối: Quản trị điều hành, điều hành vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng, vận tải…

Xây dựng hệ sinh thái số các hoạt động dịch vụ trên các nền tảng như mạng xã hội, webiste; triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số tại các mảng dịch vụ như vận tải hành khách, hàng hóa, hành lý - bao gửi, cho thuê kết cấu hạ tầng…

K.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:58835
Lượt truy cập: 175.425.795