Máy bay điện của Airbus lập kỷ lục về độ cao

Thứ năm, 14/10/2021 08:27

Công ty hàng không Airbus đã tiến hành hai thử nghiệm bay 18 ngày ở tầng thượng quyển với máy bay năng lượng mặt trời Zephyr, hoạt động cách mặt đất 25 km.

Chuyến bay lập kỷ lục về độ cao
của máy bay không người lái Zephyr

Những chuyến bay thử nghiệm bằng năng lượng mặt trời của Zephyr ở tầng bình lưu, tầng thứ hai trong khí quyển Trái Đất, lập kỷ lục thế giới mới về độ cao trong mùa hè năm nay, theo Airbus. Hiện nay, công ty dự định triển khai vệ tinh giả ở độ cao lớn (HAPS) để giám sát và truyền Internet băng tần rộng tới các khu vực xa xôi hẻo lánh.

Zephyr, phương tiện bay không người lái lắp hai cánh quạt nhỏ, chỉ sử dụng nguồn điện từ Mặt Trời thông qua những tấm pin quang năng xếp dọc sải cánh dài 25 m. Máy bay được phóng bằng tay với 4 - 5 nhân viên mặt đất hỗ trợ phương tiện cất cánh theo gió nhẹ. Zephyr trang bị phần mềm để định vị từ xa. Chỉ cần một chiếc Zephyr để cung cấp độ phủ sóng Internet tương đương 250 tháp di động, nhờ đó mẫu máy bay này giúp tiết kiệm diện tích trên mặt đất.

Ở độ cao hơn 22.860 m, Zephyr bay cao hơn máy bay thương mại (12.192 m) nhưng thấp hơn vệ tinh (320 km). Sải cánh của phương tiện lớn bằng 1/3 độ rộng cánh máy bay A380 thường dùng trong chuyến bay thương mại và nhẹ hơn 75 kg. Khi triển khai đầy đủ cho các khách hàng, Zephyr sẽ có chi phí rẻ và dễ điều khiển hơn vệ tinh, đồng thời có thể hạ cánh và điều chỉnh cho nhiệm vụ khác. Do sử dụng ánh sáng Mặt Trời để bay và sạc bộ pin, máy bay này không dùng nhiên liệu và không thải khí carbon. Bộ pin thứ hai sạc vào ban ngày để cung cấp điện cho chuyến bay ban đêm.

Zephyr có thể sắp bay 6 tháng trong khí quyển một lần, theo Jana Rosenmann, giám đốc hệ thống bay không người lái của Airbus. Chuyến bay thử thứ hai của Zephyr tiếp đất hôm 13/9 ở Arizona. Đợt thử nghiệm gồm tổng cộng 6 chuyến bay, 4 chuyến ở tầng thấp và 2 chuyến ở tầng bình lưu. Chuyến bay ở tầng bình lưu kéo dài khoảng 18 ngày mỗi lần. Tính đến nay, Zephyr đã thực hiện 2.435 giờ bay trên tầng bình lưu. Mục tiêu của chương trình là chứng minh Zephyr có thể phục vụ nhiều hoạt động trong tương lai. Ngoài phủ sóng Internet, phương tiện còn có thể theo dõi sự lan rộng của đám cháy rừng hoặc dầu tràn.

Chuyến bay thử lập kỷ lục của Zephyr phá vỡ kỷ lục của chính máy bay này trong những năm trước. Hồi tháng 8/2018, Zephyr S lập kỷ lục thế giới trong chuyến bay đầu tiên, ở độ cao 21.336 m trong 25 ngày 23 giờ 7 phút.

Nguồn: VNE

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:215418
Lượt truy cập: 176.188.530