Theo Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 15/6/2022, đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối qua Cơ chế một cửa quốc gia với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của 54.8 nghìn doanh nghiệp.
Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử với 9 nước trong khối ASEAN. Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng lộ trình.
Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số
trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Ảnh minh họa: Internet
Tổng cục Hải quan cho biết, hiện đang triển khai kết nối thử nghiệm theo kế hoạch chung của toàn khối ASEAN, sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.
Tổng cục Hải quan đánh giá, việc triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu đô la Mỹ, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu đô la Mỹ đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu đô la Mỹ đối với hàng xuất khẩu trong năm 2018.
Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu. Đồng thời, triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.