Quản lý chặt hoạt động tàu thủy bằng hệ thống nhận dạng tự động

Thứ sáu, 23/09/2022 08:42

Hệ thống nhận dạng tự động AIS là thiết bị quan trọng được quy định sử dụng trên tàu thủy nhằm tăng cường đảm bảo an toàn.

Nhận dạng tự động, tránh va chạm

Hệ thống nhận dạng tự động AIS (Automatic Identification System) là một hệ thống thông tin an toàn hàng hải hoạt động trên băng tần VHF hàng hải dùng để nhận biết thông tin giữa phương tiện thủy có trang bị AIS và các đối tượng bên ngoài trong phạm vi phủ sóng VHF.

AIS cho phép các phương tiện thủy chủ động chia sẻ các thông tin của mình với các phương tiện, đài thông tin duyên hải hoạt động trong khu vực lân cận, các trạm quản lý và giám sát tàu (VTS) và cơ quan quản lý hàng hải.

quản lý chặt hoạt động tàu thủy bằng hệ thống nhận dạng tự động

Việc trang bị AIS giúp dễ nhận diện các chướng ngại để điều khiển tàu tránh va chạm. Ảnh: minh họa

Thông tin cho hệ thống quản lý và giám sát tàu (VTS) dựa trên các thông tin thu được từ các AIS, Radar và hệ thống định vị vệ tinh (GPS). Các dữ liệu được thu thập từ các mô đun được đóng gói thành bản tin (60 bytes), được điều chế theo phương pháp ký tự khóa tối thiểu (GMSK) và gửi về trung tâm qua băng tần VHF. Tại trung tâm, thông tin của tàu, được xử lý và hiển thị trên bản đồ số. Bằng các giao diện trực quan, trung tâm có thể quản lý, giám sát các thông tin, đồng thời có thể gửi các thông tin trở lại tàu.

Cụ thể, hệ thống này bao gồm các thành phần cơ bản sau: Thiết bị AIS là thành phần kỹ thuật được lắp đặt trên tàu thuyền, có chức năng thu phát bản tin AIS. Trạm bờ AIS là thành phần kỹ thuật được lắp đặt trên bờ, có chức năng thu nhận bản tin AIS được phát ra từ các thiết bị AIS; Xử lý, lưu trữ tạm thời và truyền về trung tâm dữ liệu AIS; phát thông tin tới các thiết bị AIS (nếu có).

Trung tâm dữ liệu AIS là thành phần kỹ thuật trên bờ, có chức năng thu nhận bản tin AIS từ trạm bờ AIS; Lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin AIS cho người sử dụng thông qua môi trường mạng Internet.

Vì vậy, thông qua màn hình theo dõi trực quan, sinh động trên bản đồ điện tử, người dùng có thể theo dõi, quan sát hành trình tàu ra/vào cảng. Đồng thời có thể kiểm tra vị trí, tốc độ, hướng di chuyển… của bất kỳ tàu nào xuất hiện trên bản đồ, nhờ đó mà có thể kịp thời điều hành, quyết định chính xác tàu ra/vào cảng, hạn chế tối đa các va chạm trên biển.

Đối với các thuyền trưởng trên phương tiện thủy, sẽ hỗ trợ họ dễ dàng nhận diện tất cả cả các chướng ngại vật phía trước trong mọi tình huống và mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Thiết bị sẽ đưa ra cảnh báo để thuyền trưởng kịp thời xử lý. Cùng đó, phát hiện mục tiêu ở cự ly khá xa nên giúp thuyền trưởng biết được đâu là núi đá, bờ đảo, đất liền và các tàu thuyền di động; Nhận diện hướng di chuyển thông thoáng để tránh xảy ra va chạm dẫn đến tai nạn.

Với các tính năng này, thông tin AIS được khai thác sử dụng cho mục đích hỗ trợ công tác bảo đảm an toàn, an ninh, điều tra tai nạn, tìm kiếm cứu nạn, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa; Phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu thuyền và phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải và đường thủy nội địa.

Trang bị AIS trên phương tiện VR-SB theo lộ trình

Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, để đảm bảo cho các phương tiện thủy mang cấp VR-SB hoạt động an toàn, cần thiết phải trang bị AIS theo lộ trình quy định.

quản lý chặt hoạt động tàu thủy bằng hệ thống nhận dạng tự động

Thiết bị AIS

Theo đó, tàu khách hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo, phà cấp VR - SB phải trạng bị muộn nhất vào đợt kiểm tra hàng năm gần nhất.

Tàu có động cơ cấp VR-SB có tổng dung tích 500 ≤ GT < 1000 (trừ tàu chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến không quá 15 km) và tàu khách chở trên 20 khách, phải trang bị trước ngày 31/12/2022.

Theo các quy định pháp luật, chủ tàu, chủ phương tiện và thuyền trưởng có trách nhiệm duy trì hoạt động của thiết bị AIS lắp đặt trên tàu thuyền theo chế độ 24/7 để truyền phát bản tin AIS theo đúng chức năng thiết kế của thiết bị. Trường hợp thiết bị AIS bị hư hỏng phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN.

Trong trường hợp thay đổi các thông tin liên quan đến mã nhận dạng của tàu thuyền, tên tàu thuyền, số IMO (nếu có), hô hiệu (nếu có), kiểu tàu thuyền, kích thước tàu thuyền (chiều dài, chiều rộng) phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN. Đồng thời ghi nhật ký vận hành, khai thác thiết bị AIS trong nhật ký của tàu thuyền.

Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác thông tin AIS của các tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, đường thủy nội địa.

Cùng đó, thường xuyên sử dụng thông tin AIS để theo dõi tốc độ, hướng đi, vị trí của tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, đường thủy nội địa trong phạm vi quản lý. Quản lý và vận hành các trạm bờ AIS để thu nhận, khai thác và chia sẻ thông tin AIS của tàu thuyền hoạt động trong phạm vi quản lý.

Nguồn: Báo GT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:117116
Lượt truy cập: 175.604.499