Nguồn: Vn Economy
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 942/QĐ–TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, về cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội: Cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Thêm vào đó, Chiến lược cũng nêu ra những chỉ tiêu cơ bản bao gồm:
a) 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4;
b) 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ;
c) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương;
d) Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần;
đ) Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính;
e) Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.
Ngoài ra, Chiến lược đề ra việc huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội: Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước. Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.
Hiện nay, số lượng người tiếp cận và sử dụng internet ngày một tăng, do đó có nhiều hơn lượng truy cập vào các dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê của Cục Tin học và Thống kê tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 767.000 tài khoản đăng ký đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, có hơn 102 lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ, hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 531.000 giao dịch thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, 3.680 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; có hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,2 nghìn tỷ đồng và hơn 172.000 cuộc gọi tới tổng đài.
Đến tháng 9/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đưa lên đến mức độ 4 đã lên tới 97,3%, chiếm 54,67% tổng số thủ tục hành chính. Bên cạnh đó Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 244 nghìn tài khoản đăng ký; trên 3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 412 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; trên 365 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện.
Mặc dù số lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho thấy những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Do đó, Để hoàn thành những mục tiêu trong việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, mỗi người dân cần được tích cực phổ biến kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, đó là những cách sử dụng các thiết bị như: máy tính, điện thoại thông minh nhằm truy cập vào các phần mềm, cổng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, không cần đến giấy tờ.
Nguồn: whitehat.vn
Tăng cường phổ biến kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin
Thứ nhất, phổ biến rộng rãi đến mỗi người dùng về những tính năng của phần mềm hỗ trợ, cổng dịch vụ công và cách thức hoạt động của các phần mềm, trang web này. Để mỗi người dùng hiểu hơn và tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cần phải đưa ra những nguyên lý vận hành của những ứng dụng phần mềm, trang web hỗ trợ người dân trong việc tham gia vào các thủ tục hành chính trực tuyến. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần được thông tin về những đặc điểm của những ứng dụng phần mềm, trang web hỗ trợ đó để nắm rõ được những thông tin cơ bản, từ đó chủ động sử dụng hơn. Việc này góp phần tiết kiệm thời gian xử lý các thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh quá trình hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Thứ hai, người dùng cũng cần được hướng dẫn về an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trước khi truy cập vào dịch vụ công trực tuyến, người sử dụng cần phải đăng ký tài khoản, nhập thông tin cá nhân và sau khi hoàn thành các bước để đăng nhập, người sử dụng sẽ phải tải lên tài liệu theo yêu cầu. Điều này có thể dẫn đến sự mất an toàn trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ công nếu như người dùng không được trang bị những kiến thức cần thiết về bảo mật thông tin. Do đó, người dùng cần phải được phổ biến hơn nữa những kỹ năng an toàn thông tin khi truy cập và sử dụng internet.
Thứ ba, người dùng cần phải được phổ biến hơn nữa về sự thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực. Những thông tin về những lợi ích, tính ưu việt của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khiến cho người dùng tăng cường lựa chọn dịch vụ công trực tuyến thay cho nộp hồ sơ trực tiếp như trước. Thêm vào đó, chính những người dùng cũng cần tích cực hơn trong việc đóng góp ý kiến nhằm cải thiện những ứng dụng phần mềm hỗ trợ, trang web cung cấp dịch vụ công để nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó giúp phát triển Chính phủ điện tử.
Hiện nay khi đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến luôn được chú trọng để nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ người dân làm các thủ tục hành chính được thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, để việc này được tiếp tục phát triển, mỗi người dân cần được phổ biến những kiến thức có bản về công nghệ thông tin như tính năng, an toàn thông tin khi đăng nhập và sử dụng các phần mềm, ứng dụng và đặc biệt là cần khuyến khích người dân tích cực hơn tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến.