Sân bay quốc tế Hongkong đã sẵn sàng
sử dụng xe buýt không người lái. Ảnh: BLOOMBERG
Bằng cách lắp đặt hệ thống camera, cảm biến và thiết bị theo dõi, sân bay chính của trung tâm tài chính châu Á đang thử nghiệm công nghệ xe tự lái cấp độ 4.
Đây là thành quả sau nỗ lực 4 năm kể từ khi sân bay này bắt đầu sử dụng các loại phương tiện không người lái khác không chuyên chở hành khách, đã vượt qua khoảng 130.000 km mà không xảy ra tai nạn.
Ông Chapman Fong, Tổng giám đốc của sân bay cho biết: Hiện sân bay có thể chở hành khách đến và đi từ các điểm đến khác nhau – hoàn toàn không cần người lái: “Đối với công nghệ tự lái, chúng tôi khá tự tin vì chúng tôi đã sử dụng nó cho các hoạt động thường ngày trong một thời gian dài và chưa từng xảy ra tai nạn nào. Việc có hành khách thực sự trên xe là một cột mốc quan trọng khác và chúng tôi tin rằng đó là bước đi tiếp theo trong việc triển khai các phương tiện tự hành tại sân bay này”.
Đạt đến cấp độ đầy đủ của xe tự lái với sự an toàn hoàn hảo trong môi trường thế giới thực là niềm mong mỏi đối với các nhà sản xuất ô tô cũng như các công ty công nghệ. Nhưng bất chấp hàng chục tỷ đô la đã được chi ra, nó vẫn khó nắm bắt.
Trong khi xe tải tự lái đang được sử dụng trong một số lĩnh vực có thể kiểm soát, chẳng hạn như vận chuyển đá xung quanh khu mỏ, thì việc ô tô không người lái có thể di chuyển trên các con phố có người đi bộ, vật nuôi và các phương tiện khác vẫn chưa thể thành sự thực.
Xe buýt của sân bay Hongkong, có sức chứa 14 hành khách, có 10 camera đặt bên ngoài xe của hãng Uisee Technology (Bắc Kinh) và sử dụng bộ định vị Hệ thống Định vị Toàn cầu để theo dõi vị trí của xe.
Một phần quan trọng trong phần cứng của công nghệ nằm trong một hộp kim loại lớn, màu bạc, bên cạnh nơi người lái sẽ ngồi, chứa thiết bị không người lái và hệ thống dự phòng có thể quét độc lập con đường phía trước. Nếu hệ thống chính bị lỗi, hệ thống dự phòng sẽ khởi động.
Ông Fong cho biết: “Chiếc hộp này có thể coi là trái tim của chiếc xe tự hành. Chúng ta còn phải có một hệ thống không người lái. Trên thực tế chúng tôi còn trang bị nhiều cảnh báo an toàn trên xe. Ví dụ như ở đây chúng tôi có cảm biến chính xác trên ghế ngồi. Khi hành khách không thắt dây an toàn khi ngồi trên ghế. Cảm biến sẽ gửi tín hiệu về hệ thống”.
Được biết, đây không phải là bước đột phá đầu tiên của sân bay trong lĩnh vực vận tải công nghệ cao.
Sân bay hiện triển khai 4 xe tuần tra chạy bằng pin do công ty sản xuất ô tô SAIC-GM-Wuling sản xuất để đảm bảo an ninh tuần tra vành đai sân bay và một đội gồm 12 máy kéo chạy bằng pin có nhiệm vụ kéo các thùng đựng hành lý của khách và 4 xe khác để chở hàng hóa. Cảm biến của các phương tiện này được sản xuất bởi Velodyne Lidar có trụ sở tại San Jose.
Theo ông Fong, các ứng dụng sân bay và sân bay là địa điểm tốt nhất để bắt đầu triển khai phương tiện tự hành vì phần lớn khu vực được kiểm soát và có đội ngũ theo dõi mọi phương tiện, mọi chuyển động của máy bay trên sân đỗ.
Sân bay này cho biết đội xe động cơ đốt trong khoảng 40 xe buýt và 800 máy kéo chở hàng hóa và hành lý sẽ sẵn sàng chuyển sang hệ thống tự động vào những năm tới, và tất cả các phương tiện giao thông mặt đất sẽ được sử dụng điện vào cuối năm 2030.
Về lâu dài, sân bay cũng coi công nghệ tự hành, không người lái là cần thiết để giảm bớt sự thiếu hụt lao động nói chung, giúp giảm 1/3 so với lực lượng lao động trước đại dịch là 73.000 người.
Chiếc xe buýt này được kỳ vọng sẽ là chiếc xe buýt đầu tiên trong số nhiều chiếc xe buýt chạy vòng quanh sân bay mà không cần tài xế trong tương lai.