Bốc xếp hàng hóa tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện)
Với sự thay đổi của khu vực và thế giới, hai lĩnh vực trọng tâm lớn được đặt ra trong nền kinh tế: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Ngành hậu cần logistics là một phần của quản lý chuỗi cung ứng liên quan dòng chảy hiệu quả của hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo nhu cầu của khách hàng. Với sự phát triển của công nghệ số, logistics ngày càng đóng vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng. Logistics không chỉ có chi phí đầu tư lớn và tác động mạnh đến giá cả sản phẩm - trung bình chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 20% giá cuối cùng của hàng hóa, mà còn có tính chất quyết định chất lượng của thương mại quốc tế khi bất kể khoảng cách xa, gần, mỗi khách hàng đều mong muốn sản phẩm của mình được giao một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất.
Việc áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số trong hậu cần logistics khá chậm chạp so với các ngành khác trong những thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp này đã chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với công ty công nghệ khi lĩnh vực này đang mở ra một thị trường trị giá hàng trăm tỷ USD. Theo thống kê, khoảng 2.300 tỷ USD trên toàn thế giới sẽ được đầu tư vào công nghệ và dịch vụ cho phép số hóa vào năm 2023.
Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, dựa vào thương mại quốc tế khi có quan hệ kinh tế song phương với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 670 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP. Việt Nam cũng có vị trí địa-chính trị quan trọng trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông-tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông-châu Á. Đây được coi là tuyến vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Biển Đông mang tầm quan trọng chiến lược to lớn: Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó đi qua vùng Biển Đông với lượng thương mại trị giá gần 5.500 tỷ USD mỗi năm. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Về đường biển, hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn/năm. Hai cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện đã có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130 đến 200 nghìn DWT đi thẳng bờ Tây nước Mỹ, Canada và châu Âu; từng bước phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ hiệu quả cho việc khai thác cảng biển, phát triển dịch vụ logistics. Về đường hàng không, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới gồm Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics nói riêng và trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn nhiều hạn chế và đang đối mặt với khoảng cách lớn về trí tuệ nhân tạo (AI). Theo số liệu thống kê, năm 2019 trong khi Singapore đầu tư vào các công ty giải pháp AI đạt 68USD/người, Trung Quốc đạt 21USD và Mỹ đạt 155USD thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đều dưới mức 1USD. Điều đó đặt ra những thách thức cho Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, chuyển đổi kỹ thuật số cũng có nhiều rủi ro: một cuộc khảo sát gần đây với các giám đốc, giám đốc điều hành cấp cao cho thấy, rủi ro chuyển đổi kỹ thuật số (DT) là mối quan tâm số 1 của họ trong năm 2019 vì khoảng 70% sáng kiến DT không đạt được mục tiêu. Trong số 1.300 tỷ USD chi cho DT năm 2022, ước tính khoảng 900 tỷ USD bị lãng phí. Chính vì vậy, để ứng dụng tốt chuyển đổi số trong ngành công nghiệp logistics, doanh nghiệp cần nâng tầm nhận thức để có thể tận dụng quá trình số hóa, giúp tăng hiệu quả, xây dựng lòng tin giữa các đối tác thương mại và các bên liên quan, định tuyến cung ứng tối ưu, quản trị tốt phương tiện vận tải, ra quyết định thông minh trên công cụ điện toán nhận thức và hỗ trợ AI,…
Thực tế cho thấy, công nghệ số sẽ giúp ngành logistics vượt qua các thách thức bằng cách tối ưu hóa quy trình, giao tiếp từ đầu đến cuối, quản lý chuỗi cung ứng, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và kiểm soát chi phí. Theo một nghiên cứu mới, công nghệ số nói chung và AI nói riêng có thể chuyển nền kinh tế khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam sang một nấc thang cao hơn. Nếu các thành viên ASEAN bắt kịp tốc độ áp dụng AI, họ có thể tăng thêm gần 1.000 tỷ USD (riêng Việt Nam hơn 100 tỷ USD) trong tổng sản phẩm quốc nội của khu vực vào năm 2030.
Cảng quốc tế Cái Mép có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn từ 130 đến 200 nghìn DWT
Ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics là quá trình chuyển đổi đột phá mang tính khoa học cao, đòi hỏi sự tiên phong nghiên cứu và đề xuất mô hình phù hợp quy hoạch kinh tế-xã hội từng khu vực cũng như môi trường thiên nhiên, cần mô hình thời gian phù hợp để bảo đảm sự thành công. Tổng công ty Logiinds (thuộc Tập đoàn CT group) là một thí dụ điển hình. Trong kế hoạch năm 2023, Logiinds tập trung xây dựng Kho ngoại quan hiện đại tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Chiến lược ứng dụng công nghệ số của Logiinds gồm 4 giai đoạn: Khởi động chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình kinh doanh kỹ thuật số; định hướng mới lĩnh vực kinh doanh và cuối cùng là chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn phát triển cao nhất trong quá trình chuyển đổi số, thiết lập hệ thống cấu trúc toàn doanh nghiệp thông qua chuyển đổi kỹ thuật số dài hạn.
Để xây dựng môi trường kinh doanh kỹ thuật số đem lại lợi ích thiết thực và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như chuyển đổi kinh doanh kỹ thuật số hiệu quả, cơ quan quản lý cần xây dựng 5 chính sách vĩ mô, cụ thể:
Chính sách tiêu chuẩn logistics chung của quốc gia: Trong kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn là ưu tiên số 1, do đó cần xây dựng chính sách tiêu chuẩn logistics chung của Việt Nam phù hợp xu hướng tiêu chuẩn và quy tắc chuyển đổi số của các nước công nghiệp phát triển; kết nối hoàn hảo các tiêu chuẩn phần mềm và phần cứng của hệ thống logistics và giao thông nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng.
Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số: Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng tới người lao động và đặt con người lên hàng đầu, cần xây dựng cam kết chung để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động.
Liên kết các nguồn lực kinh tế-xã hội (capital cluster): logistics là đáy của kim tự tháp, cần thiết không chỉ cho tất cả các hoạt động của chuỗi cung ứng mà còn cho tất cả các hoạt động kinh tế như du lịch, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cần nhiều nguồn lực nhất để đầu tư và ngược lại, cùng với hệ thống giao thông, ngành logistics với ứng dụng của công nghệ số sẽ là nguồn lực quan trọng nhất của nguồn lực sản phẩm quốc gia và là nền tảng, kết nối chặt chẽ với 4 nguồn lực chủ yếu còn lại: tài nguyên, con người, tài chính và xã hội. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ các nguồn lực này mới bảo đảm sự thành công cho ngành logistics phát triển và tạo điều kiện để khởi xướng, đột phá và lan tỏa công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước. Được như vậy, ngành logistics với sự ứng dụng thành công công nghệ số sẽ là nguồn lực nền tảng để định vị quy mô kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.
Hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics: Chuỗi cung ứng là lĩnh vực kinh doanh toàn cầu và hiện đang trong quá trình chuyển đổi, vì vậy cần có chính sách đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và khu vực miền trung. Cần coi trọng phát triển hội nhập kinh tế trong ASEAN và coi đó là trọng tâm để đàm phán thương mại quốc tế và xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia, bảo đảm vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
An ninh mạng: Chuyển đổi công nghệ số đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên việc ứng dụng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng khi xây dựng và triển khai chiến lược ứng dụng công nghệ.
Cùng với nhận thức và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách liên quan của Chính phủ sẽ định vị ngành logistics của Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng, không những trong các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn trong sự chuyển dịch của kinh tế khu vực và toàn cầu.