Tội phạm mạng được dự đoán sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 24 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Bối cảnh rủi ro an ninh mạng (ANM) ngày càng gia tăng và các doanh nghiệp (DN) phải liên tục thích ứng để có những biện pháp đối phó phù hợp và hiệu quả.
Quản lý ANM hiện đại và hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn là quản lý rủi ro công nghệ đơn thuần; nó bao gồm cả quản lý rủi ro kinh doanh. Các tổ chức, DN cần phải xác định đảm bảo an toàn, ANM là một yêu cầu cần được tích hợp vào khuôn khổ quản lý rủi ro tổng thể của họ - và điều này cần được thực hiện, triển khai từ cấp hội đồng quản trị.
Các hội đồng quản trị có thể thành lập một ban quản trị rủi ro, giám sát các quy trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực và đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng; đảm bảo báo cáo chính xác và kịp thời về các rủi ro cũng như sự cố.
Tại sao cách tiếp cận dựa trên rủi ro lại quan trọng?
Thông thường các tổ chức có thể áp dụng hai cách tiếp cận chính để tăng cường năng lực ANM: dựa trên sự trưởng thành về công nghệ và dựa trên rủi ro.
Trên thực tế, các tổ chức, DN sử dụng rộng rãi phương pháp tiếp cận dựa trên sự trưởng thành trên không gian mạng của các công nghệ để nâng cao vị thế ANM của họ. Chiến lược này là áp dụng một tập hợp các tiêu chuẩn hoặc phương pháp hay nhất đã được thiết lập trong ngành để đạt được mức độ trưởng thành cao hơn về ANM. Tuy nhiên, nó có những hạn chế nhất định.
Phương pháp này chủ yếu dựa vào các đánh giá chủ quan và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như kỹ năng, sự thiên vị và kinh nghiệm của người đánh giá. Ngoài ra, việc đạt được một mức độ trưởng thành cụ thể cũng không thể bảo vệ hoàn toàn tổ chức, DN khỏi các mối đe dọa trên mạng, thậm chí có thể tạo ra cảm giác an toàn sai lầm.
Trong khi đó, phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro đối với ANM là linh hoạt và có thể tùy chỉnh để đáp ứng các nhu cầu và rủi ro cụ thể của một tổ chức. Phương pháp này tập trung vào việc xác định và ưu tiên các rủi ro ANM quan trọng nhất, tiếp theo là áp dụng các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu chúng. Cách tiếp cận này liên quan đến việc giám sát và đánh giá lại liên tục để đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát vẫn hiệu quả và phù hợp khi đối mặt với các mối đe dọa không ngừng phát triển trên không gian mạng.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), phương pháp này hiệu quả vì nó cho phép các tổ chức điều chỉnh chiến lược ANM với hồ sơ rủi ro duy nhất của họ, giúp tập trung vào các mối đe dọa và lỗ hổng nghiêm trọng nhất. Cách tiếp cận này cũng thúc đẩy văn hóa ANM chủ động bằng cách liên tục đánh giá và giải quyết các rủi ro, giảm thiểu tác động của các sự cố mạng. Do đó, các tổ chức, DN có thể đưa ra quyết định sáng suốt về nơi phân bổ tài nguyên và ưu tiên các nỗ lực ANM dựa trên các lỗ hổng và tài sản quan trọng nhất của họ.
Định lượng rủi ro ANM giúp DN ưu tiên các nguồn lực và đưa ra quyết định sáng suốt về quản lý rủi ro
Các tổ chức có thể sử dụng các phương pháp định lượng rủi ro như phân tích định lượng rủi ro và mô phỏng Monte Carlo (tức là Mô hình FAIR - một kỹ thuật toán học dự đoán kết quả có thể xảy ra của một sự kiện không chắc chắn) để đo lường tác động tiềm tàng của rủi ro mạng và ưu tiên các nỗ lực giảm thiểu rủi ro.
Bằng cách kết hợp định lượng rủi ro mạng vào phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, các tổ chức, DN có thể hiểu rõ hơn về rủi ro ANM, ưu tiên các nguồn lực và đưa ra quyết định sáng suốt về quản lý rủi ro. Điều này có thể giúp họ quản lý rủi ro DN hiệu quả hơn, cuối cùng là cải thiện kết quả ANM.
Rủi ro mạng được định lượng có thể được áp dụng trong các tình huống thực tế để xác định giá trị tài chính cho những tổn thất tiềm ẩn do sự cố ANM gây ra. Điều này giúp các tổ chức, DN quản lý tài sản số của họ và ưu tiên các nỗ lực giảm thiểu rủi ro.
Nói chung, phương pháp này giúp các tổ chức, DN đánh giá các mối đe dọa và lỗ hổng, đồng thời đánh giá tác động tài chính của các sự cố đối với năng suất, tính hợp pháp, danh tiếng và khả năng phục hồi của họ. Từ đó, cho phép các nhà lãnh đạo DN đưa ra quyết định sáng suốt về đầu tư ANM và thực hiện các biện pháp chủ động chống lại các mối đe dọa mạng.
Đo lường kết quả và hành động
Các Chỉ số xác định rủi ro chính (KRI - Chỉ số này đo lường một rủi ro cụ thể để xác định được khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đó) cung cấp thông tin tổng quan về mức độ rủi ro hiện tại của DN, đảm bảo việc đo lường rủi ro được chính xác, cảnh báo rủi ro tới các đơn vị kinh doanh được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, các Chỉ số đánh giá hiệu suất chính (KPI - các giá trị có thể đo lường được để xác định mức độ hiệu quả của một cá nhân, nhóm hoặc tổ chức đang đạt được mục tiêu kinh doanh) cho biết những gì DN cần hướng tới hoặc tránh xa mức độ chấp nhận rủi ro của DN.
Bằng cách liên kết KRI với KPI, các nhóm ANM có thể giúp các lãnh đạo tổ chức, DN tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng để xác định rủi ro nào nằm trong mức chấp nhận được và rủi ro nào cần được chú ý ngay lập tức. Từ đó, có thể đưa ra quyết định sáng suốt và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Theo WEF, để triển khai thành công phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro, các tổ chức nên áp dụng một lộ trình toàn diện bao gồm tiến hành đánh giá rủi ro kỹ lưỡng, phát triển KRI và KPI phù hợp với mục tiêu và mức độ chấp nhận rủi ro, thiết lập các quy trình quản lý rủi ro mạnh mẽ cũng như liên tục theo dõi và đánh giá tình hình ANM của họ. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tự động hóa và hợp lý hóa các quy trình quản lý rủi ro, triển khai các biện pháp kiểm soát bảo mật cũng như theo dõi KRI và KPI trong thời gian thực.
Bên cạnh đó, các tổ chức phải liên tục đánh giá lại chiến lược ANM của họ khi bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng. Cách tiếp cận dựa trên sự trưởng thành về công nghệ không còn thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại các mối đe dọa mạng hiện đại. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro lại cho thấy đây là một chiến lược ANM hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân viên cũng như quản lý rủi ro hiệu quả có thể xây dựng một hệ thống an ninh vững chắc để bảo vệ tài sản, danh tiếng và khách hàng khỏi các cuộc tấn công mạng.
ANM là trách nhiệm chung đòi hỏi sự hợp tác từ tất cả các bên liên quan để bảo vệ tổ chức. Cách tiếp cận dựa trên rủi ro giúp việc quản lý rủi ro DN hiệu quả hơn, đồng thời xây dựng các tổ chức mạnh hơn và an toàn hơn, có khả năng ứng phó với bối cảnh rủi ro mạng ngày càng gia tăng. Việc áp dụng rộng rãi phương pháp này sẽ không chỉ bảo vệ danh tiếng, khách hàng và các bên liên quan của tổ chức mà còn tạo ra một hệ sinh thái số an toàn hơn cho tất cả mọi người./.
P.V (theo WEF)